Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Cả Dallin H. Oaks
Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Để đạt được vận mệnh vĩnh cửu của mình, chúng ta sẽ ước muốn và làm việc nhằm đạt được những đức tính cần thiết để trở thành một con người vĩnh cửu.
Tôi đã chọn nói về tầm quan trọng của ước muốn.Tôi hy vọng rằng mỗi người chúng ta sẽ tự vấn lòng mình để quyết định điều mình thật sự mong muốn và cách xếp loại những ước muốn quan trọng nhất của mình.
Ước muốn điều khiển những ưu tiên của chúng ta, những ưu tiên tạo ra những lựa chọn của chúng ta, và những lựa chọn đó sẽ quyết định hành động của chúng ta. Chúng ta làm theo những ước muốn mà quyết định điều gì chúng ta thay đổi, hoàn thành và trở thành con người như thế nào.
Trước hết, tôi nói về một số ước muốn chung. Là người trần thế, chúng ta có một số nhu cầu thiết yếu về vật chất. Ước muốn để thỏa mãn những nhu cầu này bắt buộc chúng ta phải lựa chọn và quyết định hành động của chúng ta. Ba ví dụ sau đây sẽ cho thấy cách chúng ta đôi khi gạt sang một bên những ước muốn nào đó để giữ những ước muốn khác mà chúng ta xem là quan trọng hơn.
Trước hết, là thức ăn. Chúng ta có một nhu cầu thiết yếu đối với thức ăn, nhưng trong một lúc nào đó thì ước muốn đó có thể bị gạt ra một bên để nhường chỗ cho một ước muốn mạnh mẽ hơn để nhịn ăn.
Thứ hai, là chỗ ở. Năm 12 tuổi, tôi đã chống lại ước muốn có được chỗ trú ẩn nhờ vào ước muốn lớn lao hơn của mình để làm tròn điều kiện của một Hướng Đạo sinh là nghỉ một đêm trong rừng. Tôi là một trong vài đứa con trai đã rời bỏ cái lều đầy tiện nghi và tìm cách dựng lên một cái mái che và làm một cái giường thô sơ từ những vật liệu thiên nhiên mà chúng tôi có thể tìm ra được.
Thứ ba, là ngủ. Ngay cả ước muốn thiết yếu này cũng có thể tạm thời bị gạt sang một bên bởi một ước muốn còn quan trọng hơn nữa. Là một người lính trẻ trong Vệ Binh Quốc Gia Utah, tôi đã học được từ tấm gương của một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.
Trong những tháng đầu tiên của Chiến Tranh Triều Tiên, đơn vị pháo binh Richfield của Vệ Binh Quốc Gia Utah được gọi nhập ngũ . Đơn vị pháo binh này do Đại Úy Ray Cox chỉ huy, gồm có khoảng 40 người Mặc Môn. Sau khi được huấn luyện thêm và tăng viện bởi những người lính dự bị ở khắp nơi khác, họ được gửi đi Hàn Quốc, ở đó họ đã trải qua một số trận đánh dữ dội nhất trong cuộc chiến đó. Trong một trận đánh, họ đã phải đẩy lui một cuộc tấn công trực tiếp của hằng trăm lính bộ binh của địch, loại tấn công biển người và phá hủy các khẩu pháo khác.
Điều này có liên hệ gì đến việc khắc phục ước muốn được ngủ? Trong một đêm nguy ngập, khi lính bộ binh của địch tràn vào chiến tuyến trước mặt và vào các khu vực ở phía sau đang được pháo binh chiếm đóng, thì vị đại úy cho nối đường dây điện thoại vào lều của mình và ra lệnh cho nhiều người lính canh phòng ngoài doanh trại của ông phải đích thân gọi điện thoại cho ông mỗi giờ đồng hồ suốt đêm đó. Điều này bắt buộc những người lính canh phòng phải thức, nhưng cũng có nghĩa rằng giấc ngủ của Đại Úy Cox cũng bị gián đoạn rất nhiều. Tôi hỏi ông: “Làm thế nào Đại Úy có thể làm được điều đó?” Câu trả lời của ông cho thấy khả năng đặt một ước muốn quan trọng làm ưu tiên.
“Tôi biết rằng nếu chúng ta có trở về nhà thì tôi sẽ gặp cha mẹ của các thanh niên đó ngoài đường phố trong thị trấn nhỏ của chúng ta, và tôi không muốn gặp bất cứ người nào trong số họ nếu con trai của họ không trở về nhà nữa vì bất cứ điều gì tôi đã không làm với tư cách là người chỉ huy của họ.”1
Thật là một tấm gương sáng về khả năng đặt một ước muốn và hành động quan trọng làm ưu tiên! Thật là một tấm gương mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta để có trách nhiệm đối với sự an lạc của những người khác—là cha mẹ, ông bà và các vị lãnh đạo cũng như các giảng viên của Giáo Hội!
Để kết thúc ví dụ minh họa đó, vào sáng sớm sau một đêm gần như không ngủ, Đại Úy Cox chỉ huy quân mình trong trận đánh phản công lính bộ binh của địch. Họ bắt hơn 800 tù binh và chỉ có hai người bị thương. Ông Cox được trao tặng huy chương vì lòng dũng cảm và đơn vị pháo binh của ông nhận được Lời Tuyên Dương Đơn Vị của Tổng Thống về hành động anh hùng phi thường của họ. Và cũng như các chiến sĩ trẻ tuổi của Hê La Man (xin xem An Ma 57:25–26), họ đều trở về nhà an toàn.2
Sách Mặc Môn chép lại nhiều điều giảng dạy về tầm quan trọng của ước muốn.
Sau nhiều giờ khẩn cầu Chúa, Ê Nót được phán bảo rằng ông đã được tha thứ tội lỗi. Sau đó ông “bắt đầu cảm thấy ước mong cho sự an lạc của đồng bào ông” (Ê Nót 1:9). Ông viết: “Và…sau khi tôi chuyên tâm cầu nguyện và gắng sức thì Chúa phán bảo tôi rằng: Ta sẽ ban cho ngươi theo những điều ngươi mong muốn, nhờ đức tin của ngươi” (câu 12). Xin lưu ý rằng có ba điều thiết yếu đi trước phước lành đã được hứa, đó là: ước muốn, việc làm và đức tin.
Trong bài giảng của ông về đức tin, An Ma dạy rằng đức tin có thể bắt đầu với việc “muốn tin” nếu chúng ta chịu “để cho sự mong muốn này tác động trong [chúng ta]” (Alma 32:27).
Một điều giảng dạy trọng đại khác về ước muốn, nhất là về điều cần phải là ước muốn chủ yếu của chúng ta, xảy ra trong kinh nghiệm của vua La Man khi được người truyền giáo có tên là A Rôn giảng dạy. Khi thấy thích thú với lời giảng dạy của A Rôn, nhà vua đã hỏi: “Trẫm phải làm gì để trẫm có thể được Thượng Đế sinh ra” và “có được cuộc sống vĩnh cửu đó?” (An Ma 22:15). A Rôn đáp: “Nếu bệ hạ mong muốn điều này,…nếu bệ hạ biết hối cải tất cả những tội lỗi của mình và cúi mình trước mặt Thượng Đế, cùng cầu gọi danh Ngài trong đức tin, và tin tưởng rằng mình sẽ nhận được, thì lúc đó bệ hạ sẽ nhận được niềm hy vọng như bệ hạ mong muốn” (câu 16).
Nhà vua đã làm theo và nói trong lời cầu nguyện hùng hồn: “Con từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của con để chỉ biết có Ngài… và được cứu rỗi vào ngày sau cùng” (câu 18). Với lời cam kết và việc nhận ra ước muốn chủ yếu đó của mình, lời cầu nguyện của nhà vua được đáp ứng một cách nhiệm mầu.
Tiên Tri An Ma đã có ước muốn lớn lao để rao truyền sự hối cải cho tất cả dân chúng, nhưng ông dần dần hiểu rằng ông không nên mong muốn có được quyền năng ép buộc họ mà điều này cần phải có, vì ông kết luận: “một Thượng Đế công bình…ban cho loài người tuỳ theo sự mong muốn của họ, dù đó là sự chết hay sự sống” (An Ma 29:4). Tương tự như thế, trong sự mặc khải hiện đại, Chúa phán rằng Ngài “sẽ phán xét tất cả mọi người tùy theo việc làm của họ, tùy theo những ước muốn trong lòng họ” (GLGƯ 137:9).
Chúng ta có thật sự sẵn sàng để cho Đấng Phán Xét Vĩnh Cửu của mình đặt tầm quan trọng lớn lao này lên trên điều chúng ta thật sự ước muốn không?
Nhiều câu thánh thư nói về điều chúng ta ước muốn đối với điều chúng ta tìm kiếm. “Kẻ nào sớm biết tìm kiếm ta thì sẽ tìm thấy ta, và sẽ không bị bỏ rơi” (GLGƯ 88:83). “Các ngươi hãy thực tâm tìm kiếm các ân tứ tốt đẹp nhất” (GLGƯ 46:8). “Kẻ nào chuyên tâm tìm thì sẽ gặp” (1 Nê Phi 10:19). “Hãy lại gần ta, rồi ta sẽ đến gần các ngươi; hãy tận tụy tim kiếm ta, rồi các ngươi sẽ tìm thấy ta; hãy cầu xin, rồi các ngươi sẽ nhận được; hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở cho các ngươi” (GLGƯ 88:63).
Không phải dễ dàng để thay đổi lại ước muốn của mình nhằm đặt ưu tiên cao nhất cho những điều vĩnh cửu. Chúng ta đều bị cám dỗ để mong muốn có được bốn điều vật chất là tài sản, danh tiếng, tính kiêu ngạo và uy quyền. Chúng ta có thể mong muốn những điều này, nhưng chúng ta đừng đặt chúng làm ưu tiên cao nhất.
Những người có ước muốn cao nhất là kiếm được của cải thì sẽ rơi vào bẫy của chủ nghĩa duy vật. Họ không lưu ý đến lời cảnh cáo: “Chớ nên tìm kiếm của cải hay những điều phù phiếm của thế gian” (An Ma 39:14; xin xem thêm Gia Cốp 2:18).
Những người mong muốn danh tiếng hoặc uy quyền thì cần phải noi theo gương dũng cảm của Tổng Lãnh Binh Mô Rô Ni, là người không phải phục vụ “vì uy quyền” hoặc“danh vọng của thế gian” (An Ma 60:36).
Chúng ta phát triển những ước muốn như thế nào? Có ít người gặp loại khủng hoảng mà đã làm động cơ thúc đẩy Aron Ralston,3 nhưng kinh nghiệm của anh mang lại một bài học quý giá về việc bày tỏ ước muốn. Trong khi Ralston đang đi bộtrong một hẻm núi hẻo lánh ở miền Nam Utah, thì có một tảng đá nặng 363 kilôgram bất ngờ chuyển động và rơi xuống đè lên cánh tay phải của anh. Anh đã cố gắng tự giải thoát trong suốt năm ngày cô đơn. Khi gần bỏ cuộc và chấp nhận cái chết, anh đã thấy một ảo cảnh về một đứa bé ba tuổi chạy tới anh và được anh bế lên bằng cánh tay trái. Khi hiểu rằng đây là ảo cảnh về đứa con trai tương lai của mình và một sự trấn an rằng anh vẫn có thể sống, Ralston thu hết can đảm và làm một hành động quyết liệt cần thiết để cứu mạng mình trước khi kiệt sức. Anh bẻ gẫy hai cái xương trong cánh tay phải bị mắc kẹt của mình và rồi sử dụng một cây dao găm để cắt cụt cánh tay đó. Rồi anh thu hết sức lực để đi bộ 8 kilômét tìm người giúp đỡ.4Thật là một tấm gương sáng về quyền năng của một ước muốn quyết liệt! Khi có một ảo cảnh về con người chúng ta có thể trở thành, thì ước muốn và khả năng để hành động gia tăng mãnh liệt.
Đa số chúng ta sẽ không bao giờ gặp một cảnh khủng hoảng cùng cực như vậy, nhưng tất cả chúng ta đều đương đầu với cái bẫy có tiềm năng ngăn cản chúng ta tiến triển đến vận mệnh vĩnh cửu của mình. Nếu những ước muốn ngay chính của chúng ta đủ mãnh liệt, thì chúng sẽ thúc đẩy chúng ta tự cắt hoặc đục mình ra khỏi những thói nghiện ngập và áp lực tội lỗi khác cùng những ưu tiên làm ngăn cản sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta.
Chúng ta nên nhớ rằng những ước muốn ngay chính không thể thiển cận, bốc đồng hoặc tạm thời. Các ước muốn đó cần phải thành tâm, vững chắc và cố định. Khi có động cơ thúc đẩy, chúng ta sẽ tìm kiếm hoàn cảnh đó như Tiên Tri Joseph Smith mô tả, là nơi chúng ta “khắc phục những điều xấu xa của [cuộc sống mình] và mất đi ước muốn làm điều tội lỗi.”5Đó là một quyết định riêng cá nhân. Như Anh CảNeal A. Maxwell đã nói:
“Khi người ta được mô tả là ‘mất hết ước muốn để phạm tội,’ thì chính là họ, chỉ họ mà thôi, là những người tự ý quyết định đánh mất những ước muốn sai lầm đó bằng cách sẵn lòng ‘từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của mình’ để biết được Thượng Đế.”
“Do đó, điều mà chúng ta kiên trì mong muốn, cuối cùng, là con người mà chúng ta sẽ trở thành và điều mà chúng ta sẽ nhận được trong thời vĩnh cửu.”6
Cũng quan trọng như việc từ bỏ mọi ước muốn để phạm tội, cuộc sống vĩnh cửu đòi hỏi nhiều hơn nữa. Để đạt được vận mệnh vĩnh cửu của mình, chúng ta sẽ ước muốn và làm việc nhằm đạt được những đức tính cần thiết để trở thành một con người vĩnh cửu. Ví dụ, những con người vĩnh cửu tha thứ cho tất cả những người nào làm hại họ. Họ quan tâm đến sự an lạc của người khác hơn là sự an lạc của họ. Và họ yêu thương tất cả con cái của Thượng Đế. Nếu điều này dường như quá khó khăn—và chắc chắn là không dễ dàng đối với bất cứ ai trong chúng ta—thì chúng ta nên bắt đầu với một ước muốn để có được những đức tính như vậy, và khẩn cầu Cha Thiên Thượng nhân từ giúp đỡ những cảm nghĩ của mình. Sách Mặc Môn dạy chúng ta rằng chúng ta nên “cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:48).
Tôi kết thúc với một ví dụ cuối cùng về ước muốn cần phải điều quan trọng tột bậc đối với tất cả mọi người nam nữ—những người hiện đang kết hôn lẫn độc thân. Tất cả đều nên mong muốn và làm việc nghiêm túc để bảo đảm một hôn nhân vĩnh cửu. Những người đã làm lễ hôn phối trong đền thờ cần phải làm hết sức mình để giữ gìn hôn nhân đó. Những người độc thân cần phải mong muốn một lễ hôn phối đền thờ và đặt điều đó làm ưu tiên số một để đạt được. Giới trẻ và những người trẻ tuổi độc thân cần phải chống lại quan niệm hợp lý theo người đời nhưng sai lầm về phương diện vĩnh cửu là không tin vào tầm quan trọng của việc kết hôn và sinh con.7
Những người nam độc thân, xin hãy cân nhắc thử thách trong bức thư này của một chị phụ nữ độc thân. Chị nài xin cho “các con gái ngay chính của Thượng Đế đang chân thành tìm kiếm một người bạn đời xứng đáng. Tuy nhiên những người nam dường như bị mù quáng và hoang mang không biết trách nhiệm có phải thuộc về họ không để tìm kiếm những người con gái tuyệt vời, chọn lọc này của Cha Thiên Thượng, cũng như tìm hiểu cùng sẵn lòng lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng trong nhà của Chúa.” Chị phụ nữ này kết luận: “Có rất nhiều người nam Thánh Hữu Ngày Sau độc thân thích đi chơi và vui thú cùng đi hẹn hò và tụ tập nhưng tuyệt đối không mong muốn cam kết bất cứ điều gì với một phụ nữ cả.”8
Tôi chắc chắn rằng có một số thanh niên khát khao tìm kiếm sẽ muốn tôi nói thêm rằng cũng có một số thiếu nữ đặt ưu tiên vào sự nghiệp hoặc danh vọng của thế gian lên trên hôn nhân xứng đáng và con cái. Những người nam lẫn người nữ cần có những ước muốn ngay chính dẫn họ đến cuộc sống vĩnh cửu.
Chúng ta hãy nhớ rằng ước muốn điều khiển những ưu tiên của chúng ta, những ưu tiên tạo ra những lựa chọn của chúng ta, và những lựa chọn đó sẽ quyết định hành động của chúng ta. Ngoài ra, chính là hành động và ước muốn của chúng ta làm cho chúng ta trở thành một loại người nào đó, cho dù đó là một người bạn chân thành, một giảng viên tài giỏi, hoặc một người hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu.
Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, tình yêu thương, những lời giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Ngài đã làm cho mọi điều đều có thể đạt được. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ mong muốn hơn hết được giống như Ngài để một ngày nào đó có thể trở về chốn hiện diện của Ngài nhằm nhận được niềm vui trọn vẹn của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.