Podcast số 68 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2010 – Tính Kiêu Hãnh và Chức Tư Tế – Dieter F. Uchtdorf

Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào năm 2010

Tính kiêu hãnh là công tắc để vặn tắt quyền năng của chức tư tế. Lòng khiêm nhường là công tắc để vặn mở quyền năng của chức tư tế.

Các anh em thân mến, cám ơn các anh em đã quy tụ lại khắp nơi trên thế giới để tham dự phiên họp chức tư tế này của đại hội trung ương. Dù đang ở bất cứ nơi đâu, sự hiện diện của các anh em cho thấy lòng cam kết để tham gia với các anh em của mình là những người mang thánh chức tư tế cũng như phục vụ cùng kính trọng Chúa và Đấng Cứu Chuộc của mình, Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng ta thường đo lường cuộc đời của mình bằng những sự kiện để lại dấu ấn trong tâm trí chúng ta. Có rất nhiều sự kiện như vậy trong cuộc đời tôi, một trong số đó xảy ra vào năm 1989 khi tôi nghe lời giảng bất hủ của Chủ Tịch Ezra Taft Benson: “Hãy Coi Chừng Tính Kiêu Hãnh.” Trong phần giới thiệu có cho biết rằng đề tài này đã làm cho Chủ Tịch Benson bận tâm rất nhiều trong một thời gian.1

Tôi đã cảm thấy một gánh nặng tương tự trong những tháng qua. Những thúc giục của Đức Thánh Linh đã khuyến khích tôi thêm vào tiếng nói của mình làm một sự làm chứng khác về sứ điệp của Chủ Tịch Benson đưa ra cách đây 21 năm.

Mỗi người trần thế có kinh nghiệm đến một mức độ nào đó đối với tội kiêu hãnh. Không một ai tránh được tội đó; một vài người khắc phục được tội đó. Khi tôi nói với vợ tôi rằng đây là một đề tài của bài nói chuyện của tôi, bà mỉm cười nói: “Thật là quá hay khi anh nói chuyện về những điều mà anh biết rất rõ.”

Những Ý Nghĩa Khác của Tính Kiêu Hãnh

Tôi cũng nhớ một phản ứng phụ thú vị về bài nói chuyện đầy ấn tượng của Chủ Tịch Benson. Trong một thời gian, nó gần như trở thành điều cấm kỵ ở giữa các tín hữu Giáo Hội để nói rằng họ “rất hãnh diện” về con cái của họ hay quốc gia của họ hoặc họ “hãnh diện” về công việc của họ. Từ kiêu hãnh dường như trở thành một từ có ý nghĩa rất tiêu cực trong vốn từ ngữ của chúng ta.

Trong thánh thư, chúng ta thấy tấm gương của nhiều người tốt và ngay chính đã hân hoan trong sự ngay chính đồng thời vinh quang trong lòng nhân từ của Thượng Đế. Chính Cha Thiên Thượng đã giới thiệu Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài bằng những lời “người mà ta rất hài lòng.”2

An Ma hãnh diện trong ý nghĩ rằng ông có thể “trở thành một công cụ trong tay của Thượng Đế.”3 Sứ Đồ Phao Lô hãnh diện về lòng trung tín của các tín hữu của Giáo Hội.4 Người truyền giáo tài giỏi Am Môn hãnh diện về sự thành công ông và các anh em của ông đã kinh nghiệm với tư cách là người truyền giáo.5

Tôi tin rằng có điểm khác biệt giữa sự hãnh diện về những điều nào đó và tính kiêu hãnh. Tôi hãnh diện về nhiều điều. Tôi hãnh diện về vợ tôi. Tôi hãnh diện về con cháu tôi.

Tôi hãnh diện về giới trẻ của Giáo Hội và tôi hân hoan trong sự tốt lành của họ. Tôi hãnh diện về các anh em, các anh em yêu quý và trung thành của tôi. Tôi hãnh diện cùng sát cánh với các anh em là những người mang thánh chức tư tế của Thượng Đế.

Tính Kiêu hãnh Là Tội Tự Nâng Mình Lên Cao

Vậy thì điều khác biệt giữa loại hãnh diện này với loại kiêu hãnh mà Chủ Tịch Benson gọi “tội lỗi phổ thông” là gì?6 Tính kiêu hãnh là tội lỗi, như Chủ Tịch Benson đã dạy và chúng ta không thể quên được, vì nó sinh ra lòng căm thù hoặc thái độ thù địch và đặt chúng ta trong vị thế chống lại Thượng Đế cũng như đồng loại của mình. Theo bản chất, tính kiêu hãnh là tội lỗi so sánh, vì nó thường bắt đầu với câu nói “Hãy xem tôi tuyệt vời như thế nào và những điều trọng đại mà tôi đã làm,” nó thường kết thúc với câu “Do đó, tôi giỏi hơn mấy người nhiều.”

Khi lòng tràn đầy kiêu hãnh, chúng ta phạm một tội rất nặng vì chúng ta vi phạm hai lệnh truyền lớn.7 Thay vì thờ phượng Thượng Đế và yêu mến người lân cận của mình, chúng ta bộc lộ ra đối tượng thờ phượng và yêu thương của mình—đó là hình ảnh chúng ta thấy trong gương.

Tính kiêu hãnh là một trọng tội tự nâng mình lên cao. Đối với nhiều người, đó là một Ra Mê Um Tôm cá nhân, một diễn đàn biện minh cho lòng ganh tị, tham lam và tự cao tự đại.8 Theo một ý nghĩa, tính kiêu hãnh là tội nguyên thủy, vì trước khi sáng thế, tính kiêu hãnh đã làm cho Lu Xi Phe, con trai của bình minh “từng có thẩm quyền trong chốn hiện diện của Thượng Đế”, sa ngã.9 Nếu tính kiêu hãnh có thể làm một người có tài và nhiều triển vọng như vậy mà trở nên đồi bại, thì chúng ta cũng cần phải xem xét lại tâm hồn mình vậy.

Tính kiêu hãnh Có Nhiều Khía Cạnh

Tính kiêu hãnh là một căn bệnh ung thư chết người. Đó là một tội dẫn đến một loạt yếu điểm khác của con người. Thật vậy, có thể nói rằng về bản chất, mọi tội lỗi khác là một cách thể hiện của tính kiêu hãnh.

Tội lỗi này có nhiều khía cạnh. Nó dẫn một số người đến việc thích tự thấy mình có giá trị, thành tích, tài năng, giàu sang hoặc chức vụ. Họ xem những phước lành này như là bằng chứng của việc “được lựa chọn,” “cao hơn,” hoặc “ngay chính” hơn những người khác. Thật là có tội khi nói: “Tạ ơn Thượng Đế, tôi đặc biệt hơn mấy người.” Thật sự đó là ước muốn được ngưỡng mộ hoặc thèm muốn. Đó là tội tự đề cao.

Đối với những người khác, tính kiêu hãnh biến thành lòng ganh tị: họ cay đắng nhìn những người có chức vụ cao, có nhiều tài năng, hoặc nhiều của cải hơn họ. Họ tìm cách làm xúc phạm, hạ thấp hoặc lật đổ những người khác trong việc cố gắng ngụy trang và không đáng khi tự nâng mình lên cao. Họ mừng thầm khi những người mà họ ganh tị bị vấp ngã hoặc khổ sở.

Thí Điểm của Thể Thao

Có lẽ không có nơi nào để quan sát tính kiêu hãnh tốt hơn là thế giới thể thao. Tôi luôn luôn ưa thích tham gia và tham dự các trận đấu thể thao. Nhưng tôi thú thật rằng có những lúc mà sự thiếu sót phép lịch sự thì thật là khó chịu. Làm thế nào những con người tử tế và có lòng thương xót như thế lại có thể cố chấp và đầy oán ghét đối với đội đối thủ cũng như những người hâm mộ đội đó?

Tôi đã thấy những người hâm mộ thể thao phỉ báng và làm cho các đối thủ của họ giống như quỷ dữ. Họ tìm kiếm bất cứ khuyết điểm nào và phóng đại thêm. Họ biện minh cho lòng oán ghét của mình với những điều suy diễn rộng và áp dụng những điều này với những ai có liên hệ với đội kia. Họ vui mừng khi những điều bất hạnh giáng xuống đối thủ của họ.

Thưa các anh em, rủi thay ngày nay chúng ta thường thấy cùng thái độ và hành vi đó ảnh hưởng đến bài diễn văn trước công chúng về chính trị, dân tộc và tôn giáo.

Thưa các anh em chức tư tế thân mến, các môn đồ của Đấng Ky Tô đồng thời cũng là những người bạn yêu quý của tôi, chúng ta không tự giữ mình theo một tiêu chuẩn cao hơn chăng? Là những người mang chức tư tế, chúng ta cần phải biết rằng tất cả con cái của Thượng Đế đều cùng mặc một bộ đồng phục. Đội của chúng ta là tình huynh đệ của những người nam. Cuộc sống trần thế này là sân chơi của chúng ta. Mục tiêu của chúng ta là học cách yêu mến Thượng Đế và nới rộng tình yêu thương đó đối với đồng bào của mình. Chúng ta ở nơi đây để sống theo luật pháp của Ngài và thiết lập vương quốc của Thượng Đế. Chúng ta ở nơi đây để xây đắp, nâng cao, đối xử công bằng và khuyến khích tất cả con cái của Cha Thiên Thượng.

Chúng Ta Không Được Tự Mãn

Khi được kêu gọi với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, tôi đã được phước để có nhiều Vị Thẩm Quyền Trung Ương thâm niên trong Giáo Hội chỉ bảo. Một ngày nọ, tôi có được cơ hội lái xe chở Chủ Tịch James E. Faust đi đến một đại hội giáo khu. Trong suốt những giờ đồng hồ chúng tôi ngồi trong xe, Chủ Tịch Faust đã dành thời giờ giảng dạy cho tôi một số nguyên tắc quan trọng về chỉ định của tôi. Ông giải thích rằng các tín hữu của Giáo Hội đã nhân từ biết bao, nhất là đối với Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Ông nói: “Họ sẽ đối xử rất tử tế với anh. Họ sẽ nói những điều tử tế về anh.” Ông cười một chút rồi nói: “Dieter, hãy biết ơn về điều này. Nhưng anh đừng bao giờ tự mãn vì điều đó nhé.”

Thưa các anh em, đó là một bài học tốt cho tất cả chúng ta trong bất cứ sự kêu gọi hoặc hoàn cảnh sống nào. Chúng ta có thể biết ơn về sức khỏe, của cải, tài sản, hoặc chức vụ, nhưng khi chúng ta bắt đầu tự mãn vì những điều đó—khi chúng ta trở nên ám ảnh với địa vị của mình; khi chúng ta tập trung vào điều quan trọng, quyền hành hoặc danh tiếng của mình; khi chúng ta chú tâm vào điều người khác nghĩ về mình và tin vào điều người khác nói về mình—thì đó là lúc bắt đầu gây ra rắc rối; đó là lúc mà tính kiêu hãnh bắt đầu làm cho chúng ta trở nên đồi bại.

Có rất nhiều lời cảnh cáo về tính kiêu hãnh trong thánh thư: “Sự kiêu ngạo chỉ sanh ra điều cãi lộn; Còn sự khôn ngoan ở với người chịu lời khuyên dạy.”10

Sứ Đồ Phi E Rơ cảnh cáo rằng “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường.”11 Mặc Môn giải thích: “Không ai được chấp nhận trước mặt Thượng Đế ngoài những người nhu mì và khiêm tốn trong lòng.”12 Chúa đã cố tình chọn “những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh.”13 Chúa làm như vậy để cho thấy rằng bàn tay của Ngài đang làm công việc của Ngài, để chúng ta đừng “tin cậy vào cánh tay xác thịt nữa.”14

Chúng ta là tôi tớ của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta không phải được ban cho chức tư tế để có thể được công nhận và nhận lời ngợi khen. Chúng ta ở nơi đây để làm việc cật lực. Chúng ta được ban cho nhiệm vụ phi thường. Chúng ta được kêu gọi để chuẩn bị thế gian cho ngày tái lâm của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta không tìm kiếm vinh dự cho mình mà phải dâng lời ngợi khen và vinh quang lên Thượng Đế. Chúng ta biết rằng phần đóng góp mà mình có thể tự thực hiện được thì rất nhỏ; tuy nhiên, khi chúng ta sử dụng quyền năng của chức tư tế trong sự ngay chính, Thượng Đế có thể khiến cho một công việc vĩ đại và kỳ diệu xảy đến nhờ vào các nỗ lực của chúng ta. Chúng ta cần phải biết, như Môi Se đã biết, rằng “con người [tự mình] không có nghĩa gì hết”15 “song Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được.”16

Chúa Giê Su Ky Tô Là Tấm Gương Hoàn Hảo về Lòng Khiêm Nhường

Trong việc tránh tính kiêu hãnh này, cũng như trong mọi việc, Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương hoàn hảo của chúng ta. Trong khi Lu Xi Phe cố gắng thay đổi kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Cha và đoạt lấy vinh dự cho nó, Đấng Cứu Rỗi nói: “Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi.”17 Mặc dù khả năng và thành quả kỳ diệu của Ngài, nhưng Đấng Cứu Rỗi đã luôn luôn nhu mì và khiêm nhường.

Thưa các anh em, chúng ta nắm giữ “Thánh Chức Tư Tế theo Ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế.”18 Đó là quyền năng Thượng Đế đã ban cho loài người trên thế gian để hành động thay cho Ngài. Để sử dụng quyền năng của Ngài, chúng ta cần phải cố gắng giống như Đấng Cứu Rỗi. Điều này có nghĩa là trong mọi sự việc, chúng ta tìm cách làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha, cũng giống như Đấng Cứu Rỗi đã làm.19 Điều này có nghĩa là chúng ta dâng hết tất cả vinh quang lên Đức Chúa Cha, cũng giống như Đấng Cứu Rỗi đã làm.20 Điều này có nghĩa là chúng ta tự hy sinh mình để phục vụ những người khác, cũng giống như Đấng Cứu Rỗi đã làm.

Tính kiêu hãnh là công tắc để vặn tắt quyền năng của chức tư tế.21 Lòng khiêm nhường là công tắc để vặn mở quyền năng của chức tư tế.

Hãy Khiêm Nhường và Lòng Tràn Đầy Yêu Thương

Vậy làm thế nào chúng ta chế ngự được tội kiêu hãnh rất phổ biến và tai hại này? Làm thế nào chúng ta trở nên khiêm nhường hơn?

Dường như không thể dương dương tự đắc khi lòng chúng ta tràn đầy bác ái. “Và chẳng ai có thể giúp đỡ trong công việc này nếu kẻ đó không có lòng khiêm nhường và đầy tình yêu thương.”22 Khi thấy thế giới xung quanh mình dựa vào tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô, thì chúng ta bắt đầu hiểu được lòng khiêm nhường.

Một số người cho rằng lòng khiêm nhường là tự chỉ trích mình. Lòng khiêm nhường không có nghĩa là tự thuyết phục rằng chúng ta không có giá trị, vô nghĩa hoặc có rất ít giá trị. Nó cũng không có nghĩa là chối bỏ hoặc từ chối các tài năng Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Chúng ta không khám phá ra lòng khiêm nhường bằng cách nghĩ mình là thấp kém; chúng ta khám phá ra lòng khiêm nhường bằng cách nghĩ ít về mình hơn. Lòng khiêm nhường có được khi chúng ta đi làm công việc của mình với một thái độ phục vụ Thượng Đế và đồng bào của mình.

Lòng khiêm nhường hướng sự chú ý và tình yêu thương của mình đến người khác và đến các mục đích của Cha Thiên Thượng. Tính kiêu hãnh thì làm ngược lại. Tính kiêu hãnh lấy nghị lực và sức mạnh của nó từ giếng sâu ích kỷ. Khi nào chúng ta ngừng chú trọng đến mình và hy sinh mình trong sự phục vụ, thì tính kiêu hãnh giảm bớt và bắt đầu tàn lụi.

Các anh em thân mến, có rất nhiều người hoạn nạn chúng ta có thể nghĩ đến thay vì nghĩ đến bản thân mình. Và đừng quên gia đình của mình, vợ của mình nhé. Có rất nhiều cách chúng ta có thể phục vụ. Chúng ta không có thời giờ để chỉ chú trọng đến mình.

Có lần tôi có một cây bút mà tôi thích dùng trong nghề nghiệp của tôi là phi công trưởng. Chỉ bằng cách xoay cái cán bút, tôi có thể chọn một trong bốn màu. Cây bút không than phiền khi tôi muốn dùng mực đỏ thay vì mực xanh. Nó không nói với tôi: “Tôi không muốn viết sau 10 giờ tối, trong sương mù, hoặc ở trên cao.” Cây bút không nói: “Hãy chỉ dùng tôi cho các tài liệu quan trọng, chứ đừng dùng cho các nhiệm vụ thường ngày.” Với độ tin cậy cao nhất, nó làm mọi nhiệm vụ tôi cần, dù nhiệm vụ đó quan trọng hoặc vô nghĩa đến đâu. Nó luôn luôn sẵn sàng phục vụ.

Trong một cách tương tự, chúng ta là công cụ trong bàn tay của Thượng Đế. Khi tấm lòng mình ở đúng chỗ, chúng ta không than phiền rằng nhiệm vụ chỉ định của mình là không xứng đáng với khả năng của chúng ta. Chúng ta vui lòng phục vụ bất cứ nơi nào chúng ta được yêu cầu. Khi chúng ta làm như vậy, Chúa có thể sử dụng chúng ta trong những cách vượt quá sự hiểu biết của chúng ta để thực hiện công việc của Ngài.

Tôi xin kết luận với những lời trong sứ điệp đầy soi dẫn của Chủ Tịch Ezra Taft Benson cách đây 21 năm:

“Tính kiêu hãnh  chướng ngại vật lớn lao đối với Si Ôn.

“Chúng ta cần phải bắt đầu với bản thân bằng cách chiến thắng tính kiêu hãnh. …23

“Chúng ta cần phải ‘chịu theo những lời khuyên dỗ của Đức Thánh Linh,’ cởi bỏ tính kiêu hãnh của ‘con người thiên nhiên,’ trở thành ‘một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô là Chúa,’ và trở thành ‘như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường.’ …24

“Thượng Đế sẽ có một dân tộc khiêm nhường. … ‘Phước thay cho những ai biết hạ mình mà không vì bị bó buộc phải khiêm nhường.’ …25

“Chúng ta hãy chọn khiêm nhường. Chúng ta có thể làm điều đó. Tôi biết chúng ta có thể làm điều đó.”26

Thưa các anh em thân mến, chúng ta hãy noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi cùng tìm đến phục vụ thay vì tìm kiếm lời khen ngợi và vinh dự của loài người. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ nhận biết và loại bỏ tính kiêu hãnh bất chính trong lòng mình và chúng ta sẽ thay thế tính ấy với “điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, [và] mềm mại.”27 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.