Podcast số 41 – Liahona tháng 9, 2021 – “Giáo Hội của Ta Sẽ Được Gọi Như Vậy” – Henry B. Eyring

Bài của Chủ Tịch Henry B. Eyring

Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Khi chúng ta sử dụng tên đầy đủ của Giáo Hội, chúng ta được ban phước và chúng ta ban phước cho những người khác.

Ở Châu Phi, các cá nhân tìm kiếm một giáo hội để gia nhập đều kể rằng họ đã có những giấc mơ. Trong giấc mơ của họ, họ được dạy cần phải tìm kiếm một giáo hội được gọi bằng danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi tìm kiếm, họ chỉ tìm thấy duy nhất có một giáo hội mà danh của Đấng Cứu Rỗi ở chính giữa—Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ở Châu Mỹ La Tinh, một vài Thánh Hữu Ngày Sau kể rằng những lời mời của họ đưa ra cho bạn bè để tham dự “Giáo Hội Mặc Môn” đã dẫn đến sự thất vọng. Vấn đề đó đã thay đổi khi họ đưa ra lời mời tham dự Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. “Nếu giáo hội của bạn có tên là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô,” bạn bè họ trả lời, “thì chúng tôi muốn đến và xem.”

Ở Hoa Kỳ, một cậu bé trong Hội Thiếu Nhi mời những người hàng xóm của mình đến dự lễ báp têm của cậu bé. Một mục sư của một giáo hội khác nói rằng ông ta sẽ không bao giờ đến dự một buổi lễ báp têm của “Giáo Hội Mặc Môn.” Nhưng vì ông ta có thể biết được rằng giáo hội của cậu bé đó tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, vậy nên vị mục sư đã cùng vợ mình đến dự buổi lễ.

Khi một nhân viên đặt vé của hãng hàng không hỏi địa chỉ email của một tín hữu Giáo Hội, người tín hữu đó đáp, “ldschurch.org.”

“Đó là giáo hội nào vậy?” nhân viên đó hỏi.

“Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô,” người tín hữu đáp.

“Tôi đi làm mỗi lần cả mấy ngày liền nhưng chưa bao giờ có thể nói về Chúa,” nhân viên đó nói. “Việc biết rằng tôi đang nói chuyện với một Ky Tô hữu khác đã làm cho tôi có một ngày thật vui.”

Người tín hữu đó nhanh chóng cập nhật hồ sơ hàng không của mình với địa chỉ email mới: ChurchofJesusChrist.org.1

Một Lời Hứa Đã Được Làm Tròn

Những câu chuyện tuyệt vời này tiêu biểu cho việc làm tròn một lời hứa mà Chủ Tịch Russell M. Nelson đã thực hiện với Các Thánh Hữu Ngày Sau vào tháng Mười năm 2018 và một lần nữa vào tháng Tư năm 2020.

“Tôi hứa với anh chị em rằng nếu chúng ta cố gắng hết sức để phục hồi lại đúng tên của Giáo Hội của Chúa, thì Ngài là Đấng mà Giáo Hội này thuộc vào sẽ trút quyền năng và các phước lành của Ngài xuống đầu Các Thánh Hữu Ngày Sau, theo cách mà chúng ta chưa từng thấy bao giờ,” Chủ Tịch Nelson nói. “Chúng ta sẽ có sự hiểu biết và quyền năng của Thượng Đế để giúp chúng ta mang các phước lành của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đến cho mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ và dân tộc và chuẩn bị thế gian cho Sự Tái Lâm của Chúa.”2

Mới gần đây, trên các tài khoản truyền thông xã hội của tôi, tôi đã mời các Tín Hữu nói cho tôi biết về các phước lành mà họ nhận được từ việc sử dụng tên đúng của Giáo Hội. Tôi đã rất xúc động khi nhận được hơn 2.600 phản hồi.

Tôi muốn chia sẻ một số những phản hồi này với anh chị em. Chúng sẽ nghe quen thuộc vì anh chị em đã nhận được các phước lành tương tự khi anh chị em tuân theo lời khuyên bảo của Chủ Tịch Nelson.

Gần Gũi Chúa Giê Su Ky Tô Hơn

Tôi thật sự xúc động trước chứng ngôn của Jacob về cách mà tên đầy đủ của Giáo Hội đã giúp anh tập trung vào Đấng Cứu Rỗi: “Tôi đã nhận thấy rằng việc tôi hướng sự tập trung của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô đã thấm nhuần vào mỗi khía cạnh của cuộc đời tôi,” anh đã chia sẻ với tôi. “Khi tôi dự phần Tiệc Thánh, tôi nghĩ tới Ngài và sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Khi đọc thánh thư, tôi chú ý nhiều hơn đến lời của Ngài và những chỗ ám chỉ đến Ngài. Việc này đã khiến tôi đến gần với Ngài hơn và giúp tôi hiểu rõ hơn vai trò của Ngài với tư cách là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của tôi.”

Tôi cảm thấy được phước khi học về danh của Đấng Cứu Rỗi đã có ý nghĩa như thế nào đối với Beth và Bryce: “Tôi cảm thấy có mối liên hệ gần gũi hơn với Đấng Cứu Rỗi của tôi,” Beth nói. “Khi được hỏi là tôi thuộc giáo hội nào, thì tôi đáp là tôi thuộc vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi cảm thấy thật sự được thuộc vào. Tôi thuộc vào dân của Ngài. Tôi thuộc vào gia đình của Ngài. Tôi thuộc về Ngài.”

Bryce nói với tôi rằng tên đúng của Giáo Hội giúp anh “ghi nhớ là tôi phục vụ ai và ai là đấng tôi tìm cách để trở nên giống hơn. Nó nhắc nhở tôi rằng Đấng Cứu Rỗi là đấng ban cho những lời giảng dạy này và chúng không đến từ con người.”

“Danh của Đấng Cứu Rỗi Có Quyền Năng”

Haley, một người truyền giáo toàn thời gian, đã nói: “Việc sử dụng tên đúng của Giáo Hội của Chúa mang đến nhiều quyền năng và thẩm quyền hơn khi chúng tôi giảng dạy người khác về phúc âm phục hồi của Ngài. Khi tôi nói ‘Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô,’ Thánh Linh của Chúa xác nhận và làm chứng rằng đây  Giáo Hội của Chúa đã được phục hồi trên thế gian ngày nay. Tôi thích dùng cái tên đúng này vì tôi cũng thêm lời chứng sống động của mình vào lẽ thật đó!”

Và Nicola đã nói với tôi: “Trước đây, nếu tôi nói ‘Mặc Môn’, thì thường có một ý nghĩ ngờ vực thoáng đến với những người không cùng tín ngưỡng của chúng ta. Ta cũng có thể gần như cảm thấy ký ức dồn dập về tất cả những gì họ từng nghe nói về ‘người Mặc Môn.’ Nhưng bây giờ đã có bình an, thường là sự chấp nhận. Danh của Đấng Cứu Rỗi có chứa quyền năng. Ngài mang đến sự bình an. Chứng ngôn của tôi về lẽ trung thực của phúc âm đã tăng trưởng chỉ bằng cách gọi tên đúng của Giáo Hội. Tôi cảm thấy Thánh Linh mỗi lần tôi nói đến tên của Giáo Hội. Đôi khi cái tên đó là điều duy nhất tôi được nói về những điều chúng ta tin, nhưng vậy là đủ rồi.”

Làm Sáng Tỏ Những Sự Hiểu Lầm

Harold, một giáo sư đại học ở Hoa Kỳ, đã nói rằng việc sử dụng tên đúng của Giáo Hội đã giúp ông làm sáng tỏ những sự hiểu lầm. Ông kể cho tôi rằng một sinh viên nọ, đang cố gắng tóm tắt một cuộc thảo luận về tôn giáo, đã nói: “Tôi đoán rằng tất cả các tôn giáo đều là Ky Tô Giáo, ngoài những người Mặc Môn ra.”

Nhận thấy một cơ hội lý tưởng để xóa bỏ quan niệm sai lầm đó, Harold đã nói: “Tôi nói với các sinh viên rằng ‘Mặc Môn’ là một biệt danh được đặt ra cho các tín hữu Giáo Hội vì chúng ta tin vào Kinh Thánh và Sách Mặc Môn là hai chứng thư kinh thánh cổ xưa về Chúa Giê Su Ky Tô.”

Mary đã mở rộng tấm lòng đối với tôi, chia sẻ cách mà tên đầy đủ của Giáo Hội đã ban phước cho chị trong việc giảng dạy con cái của chị: “Bây giờ con cái tôi cảm thấy bớt hoang mang hơn khi tôi dạy chúng rằng chúng ta là Các Thánh Hữu của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau này thay vì tự gọi mình là ‘người Mặc Môn.’ Chúng từng cảm thấy rất hoang mang và hỏi: ‘Tại sao là Mặc Môn? Như thế có nghĩa chúng ta không phải là Ky Tô hữu sao?’ Tôi cảm thấy thay đổi này đã giúp chúng khi chúng nói chuyện với những đứa trẻ khác ở trường mà không tin đạo.”

“Tôi là Một Người Truyền Giáo cho Chúa Giê Su Ky Tô”

Chủ Tịch Nelson hứa rằng khi chúng ta sử dụng tên đúng của Giáo Hội, “chúng ta sẽ có sự hiểu biết và quyền năng của Thượng Đế” để rao truyền phúc âm. Teresa đã truyền cảm hứng cho tôi bằng câu chuyện của em ấy về những gì đã xảy ra khi một người bạn ở chỗ làm hỏi em ấy về Giáo Hội. Tuân theo lời khuyên bảo của Chủ Tịch Nelson, Teresa bắt đầu bằng cách chia sẻ tên đầy đủ của Giáo Hội.

“Anh ấy rất quan tâm đến Giáo Hội,” em ấy nói với tôi. “Anh ấy tìm hiểu về Giáo Hội trong vài tháng, và rồi, thật kỳ diệu, anh ấy đã được báp têm bởi con trai tôi, vị giám trợ. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc ngày hôm đó, và gia đình tôi cũng vậy. Những lời hứa đó là đúng thật.”

Jordan nói rằng nhiều người vẫn không quen thuộc với tên của Giáo Hội. “Việc dùng tên đầy đủ của Giáo Hội,” em ấy nói, “cho tôi cơ hội để giải thích cách Giáo Hội được đặt trọng tâm nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tại sao chúng ta tự gọi mình là Các Thánh Hữu Ngày Sau.”

Khi một người đàn ông hỏi Chloe liệu em ấy có phải là một “người truyền giáo Mặc Môn” không, em ấy đã hùng hồn làm chứng: “Không phải, tôi là một người truyền giáo cho Chúa Giê Su Ky Tô.” Chloe nói với tôi rằng người đàn ông đó bày tỏ ước muốn để noi theo Đấng Cứu Rỗi, vậy nên em ấy đã giảng dạy cho anh ta rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là do Đấng Cứu Rỗi dẫn dắt. Sau đó em ấy đưa cho anh ta thông tin về Giáo Hội của Ngài.

“Hãy Gọi Giáo Hội bằng Danh Ta”

Trong điều mặc khải ban cho Tiên Tri Joseph Smith về tên của Giáo Hội Ngài, Đấng Cứu Rỗi tuyên phán: “Vì giáo hội của ta sẽ được gọi như vậy trong những ngày sau cùng, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô” (Giáo Lý và Giao Ước 115:4). Và đối với dân Nê Phi, Ngài phán: “Vậy các ngươi phải gọi giáo hội bằng danh ta,” vì “làm sao mà giáo hội thuộc về ta nếu không được gọi bằng danh ta?” (3 Nê Phi 27:7, 8).

Tôi làm chứng, cùng với một Thánh Hữu Ngày Sau tên là Tommie, rằng khi chúng ta dùng tên đầy đủ của Giáo Hội, chúng ta được ban phước và chúng ta ban phước cho người khác. Tommie nói với tôi: “Khi tôi chia sẻ với người khác về các phước lành của việc trở thành một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô vào thời kỳ mà sự xung đột và sợ hãi đang thắng thế, tôi nhận thấy rằng tôi đang giúp người khác biết rằng có thể có được nơi dung thân khỏi cơn bão cùng với các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, là những người chăm sóc cho họ và là những người noi theo Ngài.”