Podcast số 140 – Đại Hội Trung Ương tháng 4, 2011 – Quyền Năng của Chức Tư Tế – Thomas S. Monson (1927 – 2018)

Chủ Tịch năm 2011 của Giáo Hội các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky

Cầu xin cho chúng ta là người xứng đáng tiếp nhận quyền năng thiêng liêng của chức tư tế mình đang mang. Cầu xin cho chức tư tế ban phước cho cuộc sống của chúng ta và cầu xin cho chúng ta sử dụng chức tư tế để ban phước cho cuộc sống của những người khác

Tôi đã cầu nguyện và nghiền ngẫm rất lâu về điều tôi có thể nói buổi tối hôm nay. Tôi không muốn làm phật lòng một người nào cả. Tôi đã nghĩ: “Chúng ta có những thử thách nào? Mỗi ngày, tôi đối phó với điều gì mà khiến cho tôi đôi khi phải khóc trong đêm khuya?” Tôi nghĩ rằng tôi sẽ cố gắng nói về một vài thử thách đó trong buổi tối hôm nay. Một số sẽ áp dụng cho các thanh thiếu niên. Một số sẽ áp dụng cho những người ở tuổi trung niên. Một số sẽ áp dụng cho những người ngoài tuổi trung niên một chút. Chúng ta không nói về tuổi già.

Và như vậy, tôi chỉ muốn bắt đầu với lời nói rằng thật là điều tốt lành để chúng ta được họp mặt với nhau buổi tối hôm nay. Chúng ta đã nghe những sứ điệp tuyệt diệu và thích hợp về chức tư tế của Thượng Đế. Tôi cùng với các anh em đã được nâng cao tinh thần và soi dẫn.

Buổi tối hôm nay, tôi muốn được nói về những vấn đề gần đây thường ở trong tâm trí tôi và tôi đã cảm thấy có ấn tượng phải chia sẻ với các anh em. Bằng cách này hay bằng cách khác, tất cả những vấn đề này cũng liên quan đến sự xứng đáng cá nhân cần có để tiếp nhận và sử dụng quyền năng thiêng liêng của chức tư tế mà chúng ta nắm giữ.

Tôi xin bắt đầu bằng cách đọc cho các anh em nghe từ tiết 121 sách Giáo Lý và Giao Ước:

“Đó là những quyền hạn của chức tư tế gắn liền với các quyền năng trên trời, và các quyền năng trên trời chỉ có thể kiểm soát hay điều khiển được bởi các nguyên tắc ngay chính mà thôi.

“Những quyền ấy có thể được truyền giao cho chúng ta, điều đó đúng như vậy; nhưng khi chúng ta muốn che giấu những tội lỗi của mình, hay làm thỏa mãn tính kiêu ngạo, lòng ham muốn vô bổ của chúng ta, hoặc muốn kiểm soát, hay thống trị, hoặc xúi giục tâm hồn con cái loài người, với bất cứ mức độ bất chính nào, này, thiên thượng sẽ tự rút lui, Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền; và khi nào Đấng ấy rút lui, thì A Men cho chức tư tế hay thẩm quyền của người ấy.”1

Thưa các anh em, đó là lời phán bảo dứt khoát của Chúa về thẩm quyền thiêng liêng của Ngài. Chúng ta không thể nghi ngờ bổn phận đề cập đến trong câu thánh thư này được đặt lên mỗi người chúng ta là những người mang chức tư tế của Thượng Đế.

Chúng ta đến thế gian trong thời kỳ rối ren. Các tiêu chuẩn đạo đức của đa số mọi người trên thế gian dần dần thay đổi thành thái độ “muốn làm gì thì làm”.

Tôi sống đã đủ lâu để thấy nhiều biến đổi của đạo đức xã hội. Có lúc, các tiêu chuẩn đạo đức của Giáo Hội và các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội gần như tương hợp, nhưng giờ đây đã có một khoảng cách lớn và khoảng cách này sẽ càng ngày càng lớn hơn.

Nhiều phim ảnh và chương trình biểu diễn trên truyền hình cho thấy hành vi hoàn toàn trái ngược với luật pháp của Thượng Đế. Đừng tuân phục điều ô trọc ngụ ý và công khai thường thấy ở đó. Những lời ca trong nhiều nhạc phẩm ngày nay cũng rơi vào thể loại giống vậy. Lời nói báng bổ rất thịnh hành xung quanh chúng ta ngày nay đã không bao giờ được khoan dung trong thời cách đây không lâu. Buồn thay, người ta nhiều lần sử dụng danh của Chúa một cách bất kính. Xin hãy cùng tôi nhớ lại điều giáo lệnh—một trong mười giáo lệnh—mà Chúa đã mặc khải cho Môi Se trên Núi Si Nai: “Ngươi chớ lấy danh Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê Hô Va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi.”2 Tôi rất lấy làm tiếc nếu có người nào trong chúng ta hay dùng lời lẽ báng bổ thô tục và tôi khẩn nài các anh em đừng dùng lời lẽ như vậy nữa. Tôi khẩn nài các anh em đừng nói hoặc làm điều gì làm cho mình có thể không hãnh diện về điều đó.

Hãy hoàn toàn tránh xa hình ảnh sách báo khiêu dâm. Đừng bao giờ cho phép mình xem những hình ảnh đó. Đó là một thói nghiệnrất khó khắc phục. Hãy tránh rượu và thuốc lá hoặc bất cứ chất ma túy nào khác, cũng như những thói nghiện mà các anh em sẽ thấy là rất khó chế ngự.

Điều gì sẽ bảo vệ các anh em khỏi tội lỗi và điều xấu xa xung quanh mình? Tôi cho rằng một chứng ngôn vững mạnh về Đấng Cứu Rỗi và về phúc âm của Ngài sẽ giúp mang các anh em đến nơi an toàn. Nếu các anh em chưa đọc Sách Mặc Môn thì hãy đọc đi. Tôi sẽ không yêu cầu các anh em phải giơ tay lên. Nếu thành tâm làm như vậy và với một ước muốn chân thật để biết được lẽ thật, thì Đức Thánh Linh sẽ biểu hiện lẽ thật đó cho các anh em thấy. Nếu sách ấy là chân chính—vâng, sách đó quả thật là chân chính thì Joseph Smith là vị tiên tri đã nhìn thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Giáo Hội là chân chính. Nếu các anh em chưa có một chứng ngôn về những điều này, thì hãy làm điều cần thiết để đạt được một chứng ngôn. Các anh em cần phải có chứng ngôn của riêng mình vì chứng ngôn của những người khác chỉ có thể giúp đỡ các anh em đến một mức giới hạn nào đó mà thôi. Một khi đạt được rồi, thì một chứng ngôn cần phải được gìn giữ để luôn có sức sống và sinh động bằng cách tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế cũng như bằng cách cầu nguyện và học thánh thư thường xuyên. Hãy đi nhà thờ. Các em thiếu niên, hãy tham dự lớp giáo lý hoặc viện giáo lý nếu có thể.

Nếu có điều gì sai trái trong cuộc sống của mình, thì các anh em cần có cách để khắc phục điều đó. Hãy ngừng làm bất cứ điều gì không ngay chính. Hãy nói chuyện với giám trợ của các anh em. Bất cứ vấn đề gì cũng có thể giải quyết được qua sự hối cải thích hợp. Các anh em có thể trở nên trong sạch lại một lần nữa. Chúa phán về những người hối cải: “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết;”3 “và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.”4

Đấng Cứu Rỗi của nhân loại tự mô tả Ngài là sống trong thế gian nhưng không thuộc thế gian.5 Chúng ta cũng có thể sống trong thế gian nhưng không thuộc thế gian khi chúng ta bác bỏ những quan niệm và những điều giảng dạy sai lầm, và luôn luôn trung tín với điều Thượng Đế đã truyền lệnh.

Gần đây, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về các em thanh niên đến tuổi lập gia đình nhưng chưa cảm thấy phải làm như vậy. Tôi thấy có nhiều thiếu nữ xinh xắn mong muốn được kết hôn và chăm lo cho gia đình, vậy mà cơ hội của họ bị giới hạn bởi vì có rất nhiều thanh niên đang trì hoãn việc kết hôn.

Đây không phải là một tình trạng mới mẻ gì. Nhiều vị chủ tịch thời trước của Giáo Hội đã nói nhiều về vấn đề này. Tôi chia sẻ với các em chỉ một hoặc hai ví dụ về lời khuyên của họ.

Chủ Tịch Harold B. Lee nói: “Khi chúng ta đã quá tuổi kết hôn và tự ngăn không cho mình kết hôn một cách vinh dự với các phụ nữ xinh xắn này, thì chúng ta không thi hành bổn phận của mình với tư cách là người nắm giữ chức tư tế.”6

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói như sau: “Tôi thông cảm với … các chị em phụ nữ độc thân khát khao hôn nhân nhưng dường như không thể tìm ra được. … Nhưng tôi không thông cảm với các thanh niên đang đi theo xu hướng của xã hội chúng ta, họ là những người có quyền khởi xướng vấn đề này, nhưng trong nhiều trường hợp đã không làm như vậy.”7

Tôi nhận thấy có nhiều lý do tại sao các em có thể ngần ngại để tiến đến việc lập gia đình. Nếu các em lo lắng về việc chu cấp cho một người vợ và gia đình về mặt tài chính, thì tôi xin cam đoan với các em rằng việc một cặp vợ chồng phải sống tằn tiện không có gì là đáng xấu hổ cả. Nói chung, chính trong những lúc khó khăn này, các em sẽ gần gũi nhau hơn khi học cách hy sinh và lựa chọn những quyết định khó khăn. Có lẽ các em sợ sẽ quyết định sai. Về điều này, tôi nói rằng các em cần phải sử dụng đức tin. Hãy tìm ra một người nào đó mà các em thấy tâm đầu ý hợp. Hãy biết rằng các em sẽ không thể biết trước được mỗi thử thách có thể sẽ xảy đến, nhưng hãy chắc chắn rằng hầu như mọi điều đều có thể giải quyết được nếu các em có tài xoay xở và cam kết để làm cho hôn nhân của mình thành công.

Có lẽ các em quá vui vẻ trong cuộc sống độc thân, đi nghỉ hè một cách phung phí, mua xe và đồ chơi đắt tiền và nói chung hưởng thụ cuộc sống thảnh thơi với bạn bè. Tôi đã gặp các nhóm thanh niên đi chơi với nhau và tôi thú nhận đã tự hỏi tại sao các em không đi chơi với các thiếu nữ trẻ đẹp.

Các em thanh niên, điều đáng nói là đã đến lúc để nghiêm túc nghĩ đến hôn nhân và tìm kiếm một người bạn đời mà các em muốn sống với họ vĩnh viễn. Nếu các em khôn ngoan lựa chọn và cam kết sẽ thành công trong hôn nhân của mình, thì không có điều gì trong cuộc sống này mang lại hạnh phúc lớn lao hơn cho các em.

Khi kết hôn, các em sẽ muốn kết hôn trong Nhà của Chúa. Vì các em là những người nắm giữ chức tư tế, nên không có lựa chọn nào khác cả. Hãy cẩn thận để không vi phạm điều kiện để được kết hôn như vậy. Các em có thể giữ cho thời gian tìm hiểu của mình nằm trong khuôn khổ thích hợp nhưng vẫn có thời gian tuyệt diệu với nhau.

Thưa các anh em, giờ đây tôi xin chuyển sang một đề tài khác, về điều tôi cảm thấy có ấn tượng để ngỏ lời cùng các anh em. Trong ba năm qua từ khi được tán trợ với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội, tôi tin rằng trách nhiệm đáng buồn và thất vọng nhất của tôi là giải quyết việc hủy bỏ các lễ gắn bó. Mỗi việc hủy bỏ đó đều được đi trước bởi một lễ hôn phối vui vẻ trong nhà của Chúa, nơi mà một cặp vợ chồng yêu nhau bắt đầu một cuộc sống chung và trông mong sẽ sống với nhau cho đến thời vĩnh cửu. Và rồi năm tháng trôi qua và vì lý do nào đó, không còn tình yêu nữa. Đó có thể là do kết quả của vấn đề tài chính, thiếu truyền đạt, không kiềm chế được tính khí, sự xen vào của gia đình bên chồng hay bên vợ, vướng vào tội lỗi. Có thể có rất nhiều lý do. Trong đa số trường hợp, ly dị không phải là kết cục đâu.

Phần đông những lời yêu cầu hủy hỏ lễ gắn bó là từ các phụ nữ cố gắng một cách tuyệt vọng để làm cho cuộc hôn nhân được thành công, nhưng cuối cùng đã không thể khắc phục nổi vấn đề.

Hãy thành tâm chọn kỹ bạn đời; và khi các anh em kết hôn, hãy hết lòng chung thủy với nhau. Có lần tôi đã thấy trong nhà của câu mợ tôi một tấm bảng nhỏ chứa đựng lời khuyên vô giá. Tấm bảng đó viết rằng: “Hãy chọn người mình yêu; hãy yêu người mình chọn.” Dòng chữ đó thật là uyên thâm. Sự cam kết trong hôn nhân là tuyệt đối thiết yếu.

Vợ của các anh em là người bạn đời bình đẳng của mình. Trong hôn nhân, không có người nào cao trội hoặc thấp kém hơn người kia. Các anh chị em đi song song bên nhau với tư cách là con trai và con gái của Thượng Đế. Các anh em không được xem thường hay sỉ nhục mà phải kính trọng và yêu thương vợ mình. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói: “Bất cứ người nào trong Giáo Hội này … dùng quyền thống trị bất chính đối với [vợ mình] đều không xứng đáng nắm giữ chức tư tế. Mặc dù người ấy có thể đã được sắc phong chức tư tế, nhưng thiên thượng sẽ rút lui, Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền và A Men cho thẩm quyền của chức tư tế của người đó.”8

Chủ Tịch Howard W. Hunter nói về hôn nhân như sau: “Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và thành công thường không phải là do vấn đề kết hôn đúng người mà chính mình phải là người đúng đắn.” Tôi thích câu nói đó. “Nỗ lực có ý thức để làm trọn vẹn phần vụ của mình là yếu tố quan trọng nhất để góp phần vào cuộc hôn nhân thành công.”9

Cách đây nhiều năm trong tiểu giáo khu do tôi chủ tọa với tư cách là giám trợ, có một cặp vợ chồng nọ thường hay bất hòa rất nghiêm trọng. Tôi có ý nói là bất đồng ý kiến thật sự. Mỗi người đều giữ vững lập trường của mình. Không một ai chịu nhịn ai cả. Khi không cãi nhau thì họ ở trong tình trạng mà tôi gọi là “cuộc đình chiến không yên.”

Một buổi sáng nọ vào lúc 2 giờ khuya, tôi nhận được cú điện thoại từ cặp vợ chồng đó. Họ muốn nói chuyện với tôi và họ muốn nói chuyện ngay lúc đó. Tôi miễn cưỡng ra khỏi giường, mặc đồ vào và đi đến nhà họ. Họ ngồi đối diện với nhau trong căn phòng, không nói với nhau một lời nào cả. Người vợ nói chuyện với người chồng bằng cách nói qua tôi. Người chồng trả lời người vợ cũng bằng cách nói qua tôi. Tôi nghĩ: “Làm thế nào mình có thể làm cho cặp vợ chồng này trở lại với nhau nhỉ?”

Tôi cầu nguyện để được soi dẫn và ý nghĩ đến với tôi là đặt ra một câu hỏi cho họ. Tôi nói: “Đã bao lâu rồi kể từ khi hai anh chị đi đền thờ và chứng kiến một buổi lễ gắn bó trong đền thờ vậy?” Họ thú nhận là đã lâu lắm rồi. Mặt khác, họ là hai người xứng đáng đang nắm giữ giấy giới thiệu đi đền thờ và đã cùng đi đền thờ để làm công việc giáo lễ cho người khác.

Tôi nói với họ: “Hai anh chị có thể đi với tôi đến đền thờ vào lúc 8 giờ sáng thứ Tư này được không? Chúng ta sẽ chứng kiến một buổi lễ gắn bó ở đó.”

Họ đồng thanh hỏi: “Lễ gắn bó của ai vậy?”

Tôi đáp: “Tôi không biết. Đó sẽ là lễ gắn bó của người nào đó kết hôn vào sáng hôm ấy.”

Ngày thứ Tư kế tiếp, đúng giờ hẹn, chúng tôi gặp nhau ở Đền Thờ Salt Lake. Ba chúng tôi đi vào một căn phòng tuyệt đẹp làm lễ gắn bó, mà không hề biết ai trong căn phòng ngoại trừ Anh Cả ElRay L. Christiansen, lúc bấy giờ là Phụ Tá của Nhóm Túc Số Mười Hai, một chức vụ thẩm quyền trung ương vào lúc đó. Theo lịch trình thì Anh Cả Christiansen sẽ thực hiện lễ gắn bó cho cô dâu và chú rể trong căn phòng đó vào sáng hôm ấy. Tôi tin là cô dâu và gia đình của cô dâu đã nghĩ rằng: “Đây chắc là bạn bè của chú rể,” và gia đình của chú rể nghĩ rằng: “Đây chắc là bạn bè của cô dâu.” Hai cặp vợ chồng đi với tôi ngồi cách nhau khoảng 60 centimét trên một cái ghế dài nhỏ.

Anh Cả Christiansen bắt đầu đưa ra lời khuyên bảo cho cặp vợ chồng sắp kết hôn và ông ấy đã làm điều đó một cách thật tuyệt vời. Ông nói về cách mà người chồng cần phải yêu thương vợ mình, phải đối xử với vợ mình một cách kính trọng và lịch sự, kính trọng vợ mình là con tim của mái gia đình. Rồi ông nói với cô dâu về cách cô ấy cần phải kính trọng chồng mình là cái đầu của mái gia đình và phải hỗ trợ chồng mình về mọi mặt.

Tôi thấy rằng trong khi Anh Cả Christiansen nói chuyện với cô dâu và chú rể thì cặp vợ chồng cùng đi với tôi ngồi xích lại gần nhau hơn một chút. Chẳng bao lâu, họ đã ngồi cạnh nhau. Điều làm tôi hài lòng là cả hai người đều ngồi xích lại gần nhau trong cùng một tốc độ. Vào cuối buổi lễ, họ đã ngồi gần nhau thể như họ là cặp vợ chồng mới cưới. Mỗi người đều tươi cười.

Vào ngày đó, chúng tôi ra về mà không một người nào biết chúng tôi là ai và tại sao chúng tôi đến đó, nhưng hai người bạn tôi nắm tay nhau khi họ bước ra khỏi cửa. Những điều bất đồng của họ đã được để sang một bên. Tôi không cần phải nói thêm lời nào cả. Các anh em thấy đó, họ đã nhớ đến ngày cưới của họ và các giao ước họ đã lập trong nhà của Thượng Đế. Họ đã cam kết để bắt đầu lại và từ đây trở đi sẽ cố gắng nhiều hơn.

Nếu bất cứ ai trong số các anh em gặp khó khăn trong hôn nhân của mình, thì tôi khuyến khích các anh em hãy cố gắng hết sức để sửa đổi bất cứ điều gì cần sửa đổi, để các anh em có thể được hạnh phúc như khi mới bắt đầu kết hôn. Chúng ta là những người kết hôn trong nhà của Chúa đã được kết hôn cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu, và rồi chúng ta cần phải đặt hết nỗ lực cần thiết để làm cho hôn nhân được vĩnh cửu. Tôi nhận biết rằng có những tình huống mà cuộc hôn nhân không thể cứu vãn được, nhưng tôi tin chắc rằng hầu hết các cuộc hôn nhân có thể và cần phải được cứu vãn. Đừng để cho hôn nhân của các anh em tới mức lâm vào cảnh hiểm nguy.

Chủ Tịch Hinckley dạy rằng mỗi chúng ta là người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế có nhiệm vụ phải kỷ luật tự giác để sống theo tiêu chuẩn đạo đức cao hơn tiêu chuẩn của thế gian. Tuy nhiên, chúng ta cần phải là những người đàn ông đáng kính và lịch sự. Hành động của chúng ta cần phải không có điều gì đáng chê trách cả.

Lời lẽ của chúng ta, cách chúng ta đối xử với những người khác và cách chúng ta sống đều ảnh hưởng đến khả năng của chúng ta với tư cách là những người đàn ông và thiếu niên nắm giữ chức tư tế.

Ân tứ của chức tư tế là vô giá. Chức tư tế mang theo thẩm quyền để hành động với tư cách là các tôi tớ của Thượng Đế, ban phước cho người bệnh, cho gia đình của chúng ta cũng như cho những người khác. Thẩm quyền của chức tư tế có thể đến tận bên kia thế giới, vào chốn vĩnh cửu. Không có điều gì khác có thể so sánh với chức tư tế trên khắp thế gian này. Hãy bảo vệ, trân quý và sống xứng đáng với chức tư tế.10

Các anh em thân mến, cầu xin cho sự ngay chính hướng dẫn mỗi bước đi của chúng ta khi chúng ta sống trên trần thế. Cầu xin cho chúng ta ngày hôm nay và mãi mãi làngười xứng đáng tiếp nhận quyền năng thiêng liêng của chức tư tế mình đang mang. Cầu xin cho chức tư tế ban phước cho cuộc sống của chúng ta, và cầu xin cho chúng ta sử dụng chức tư tế để ban phước cho cuộc sống của những người khác, như Ngài đã làm như vậy, Ngài là Đấng đã sống và chết cho chúng ta—chính là Chúa Giê Su Ky Tô, là Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Đây là lời cầu nguyện của tôi, trong thánh danh của Ngài, A Men.