Podcast số 242 – Liahona tháng 3, 2015 – Được Bảo Bọc trong Vòng Tay Thương Yêu của Ngài – Dieter F. Uchtdorf

Bài của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Giống như nhiều người khác, tôi thường được soi dẫn bởi các tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc tuyệt diệu. Một dịp như vậy là khi tôi đứng trước một bức tranh kiệt tác của hai họa sĩ Đan Mạch Frans Schwarz có tựa đề là Nỗi Thống Khổ trong Khu Vườn.1

Bức tranh đẹp một cách tuyệt vời này mô tả Đấng Cứu Rỗi quỳ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê. Khi Ngài cầu nguyện, một thiên sứ đứng bên cạnh Ngài, ôm Ngài trong vòng tay thương yêu, đưa ra lời an ủi, sự giúp đỡ thiêng liêng, và hỗ trợ.

Càng ngắm bức tranh này, tâm trí tôi càng trĩu nặng những cảm xúc dịu dàng và biết ơn không tả xiết. Tôi có thể cảm nhận, một phần nhỏ, chắc hẳn phải là như thế nào để được hiện diện trong khi Đấng Cứu Rỗi bắt đầu công việc vĩ đại tột bậc của Ngài trên trần thế bằng cách mang lấy tội lỗi của thế gian. Tôi kinh ngạc trước tình yêu thương vô hạn và lòng trắc ẩn mà Đức Chúa Cha dành cho con cái của Ngài. Lòng tôi vô cùng biết ơn đối với điều mà Vị Nam Tử vô tội đã làm cho tất cả nhân loại và cho tôi.

Sự Hy Sinh của Vị Nam Tử của Thượng Đế

Mỗi năm vào thời điểm này, chúng ta tưởng nhớ và suy ngẫm về sự hy sinh mà Chúa Giê Su Ky Tô đã thực hiện cho tất cả nhân loại.

Điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm từ Vườn Ghết Sê Ma Nê đến Đồi Sọ thay cho chúng ta là vượt quá khả năng của tôi để hiểu. Ngài mang lấy gánh nặng tội lỗi của chúng ta và trả một cái giá cứu chuộc vĩnh cửu và ràng buộc không những vì sự phạm giới ban đầu của A Đam mà còn vì các tội lỗi và sự phạm giới của hàng tỷ người đã từng sống trước đây. Sự hy sinh vĩnh cửu, thiêng liêng này đã khiến “cho dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn” (GLGƯ 19:18).

Ngài đã chịu đau khổ cho tôi.

Ngài đã chịu đau khổ cho các anh chị em.

Lòng tôi tràn đầy biết ơn khi tôi suy ngẫm về ý nghĩa quý báu của sự hy sinh này. Tôi hạ mình khi biết rằng tất cả những người chấp nhận ân tứ này và hướng lòng của họ đến Ngài đều có thể được tha thứ và tẩy sạch tội lỗi, cho dù khuyết điểm của họ có trầm trọng như thế nào hoặc gánh nặng của họ có nặng trĩu đến đâu đi nữa.

Chúng ta có thể được làm cho trong sạch và thanh khiết một lần nữa. Chúng ta có thể được cứu chuộc nhờ vào sự hy sinh vĩnh cửu của Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta.

Ai Sẽ An Ủi Chúng Ta?

Mặc dù không ai trong số chúng ta sẽ phải trải qua đáy sâu của nỗi đau khổ mà Chúa của chúng ta đã phải chịu đựng, nhưng mỗi người chúng ta sẽ có những giờ phút đen tối và cay đắng—những lúc mà nỗi buồn phiền và đau đớn có thể dường như lớn lao hơn chúng ta có thể chịu đựng được. Sẽ có những lúc khi gánh nặng và sự hối hận về tội lỗi của chúng ta sẽ đè nặng một cách không thương xót lên chúng ta.

Mặc dù vậy, nếu chúng ta chịu dâng trọn tâm hồn mình lên Chúa trong những thời điểm đó, thì chắc chắn Ngài sẽ biết và hiểu được. Ngài là Đấng chịu đau khổ một cách vị tha cho chúng ta trong khu vườn và trên thập tự giá sẽ không để cho chúng ta bơ vơ bây giờ. Ngài sẽ củng cố, khuyến khích, và ban phước cho chúng ta. Ngài sẽ bảo bọc chúng ta trong vòng tay thương yêu của Ngài.

Đối với chúng ta, Ngài sẽ còn hơn cả một thiên thần.

Ngài sẽ ban phước cho chúng ta với sự an ủi, chữa lành, hy vọng, và tha thứ.

Vì Ngài là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Đấng Giải Thoát của Chúng Ta.

Đấng Cứu Rỗi đầy lòng thương xót và Thượng Đế đầy ơn phước của chúng ta.