Podcast số 119 – Thành Niên Trẻ Tuổi Hàng Tuần tháng 11, 2018 – Nhận Ra Những Sự Giả Mạo của Sa Tan – Dennis C. Gaunt

Tác giả sống ở Utah, Hoa Kỳ.

Khi đối mặt với những giả mạo thuộc linh thì Sách Mặc Môn có thể giúp chúng ta xác định điều nào là đúng và điều nào là không đúng.

Khi tôi đang đặt hai tờ đô la Mỹ vào ví tại cửa hàng tạp phẩm thì tôi bất chợt nhận thấy một trong hai tờ giấy bạc đó trông là lạ. Tôi nghĩ rằng màu xanh lá cây của tờ giấy bạc đó có hơi nhạt hơn những tờ đô la khác, vì vậy tôi đã xem xét kỹ hơn. Sau đó, tôi nhận thấy hình của Tổng Thống George Washington trông không rõ nét. Ngay cả tờ đô la cầm vào cũng thấy không thật. Đó là tờ đô la giả! Nhân viên bán hàng đổi nó cho một tờ đô la thật và sau đó đưa tờ đô la giả cho người quản lý cửa hàng.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về tờ đô la giả đó kể từ khi ấy. Tôi tự hỏi tờ đô la giả đó đã được lưu hành bao lâu rồi và có bao nhiêu người đã bị nó lừa trong những năm qua. Trong thực tế, nếu không chú ý thì tôi cũng đã có thể bị lừa rồi. Nhưng bằng cách so sánh điều này với điều thực tế và tập trung vào những điểm khác biệt thay vì những điểm tương đồng, thì tôi có thể nói đó là sự giả mạo.

Sách Mặc Môn đầy dẫy các ví dụ về những kẻ giả mạo về mặt thuộc linh, là những người làm theo các phương pháp gian dối và lừa gạt người khác của Sa Tan vì lợi ích riêng của họ. Bằng cách nghiên cứu các thủ đoạn và chiến thuật của họ, chúng ta bắt đầu nhận thấy những sai lầm và lỗi lầm của họ trong cùng một cách mà một người quan sát đã được huấn luyện bắt đầu nhận thấy sự khác biệt giữa tiền thật và tiền giả. Chúng ta càng tập chú ý để nhận ra những khác biệt, thì chúng ta càng chuẩn bị kỹ hơn để lột mặt nạ của những kẻ giả mạo thời nay và chống lại những lời nói dối của họ.

Thu Thập Tin Tức về Những Giả Mạo của Sa Tan

Sa Tan tìm cách dẫn dắt chúng ta đi lạc hướng bằng cách giả mạo phần thuộc linh của nó, và nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bị lừa. Chủ Tịch Joseph F. Smith (1838–1918) đã cảnh báo: “Sa Tan là một kẻ bắt chước tài tình, và trong khi lẽ thật phúc âm được ban cho thế gian càng ngày càng dồi dào thì nó cũng phổ biến giáo lý sai lạc. Hãy coi chừng giáo lý sai lạc của nó vì các anh chị em sẽ không nhận được điều gì từ giáo lý đó ngoài nỗi thất vọng, đau khổ và cái chết thuộc linh.”1.

Sự phòng thủ hữu hiệu nhất chúng ta có để chống lại việc bị những sự giả mạo của Sa Tan lừa gạt là cố gắng trở nên quen thuộc với các lẽ thật của phúc âm càng nhiều càng tốt. Chúng ta càng biết rõ về lẽ thật, thì càng dễ dàng hơn để nhận thấy những điều khác biệt khi Sa Tan đưa ra cho chúng ta những sự giả mạo của nó. Vì vậy, khi nó làm như thế, chúng ta cần phải tìm kiếm những điểm khác biệt chứ không phải những điểm tương đồng cũng giống như tôi đã làm với mấy tờ đô la của tôi, vì đó là điểm mà những điều gian dối sẽ luôn luôn bị khám phá ra.

Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) dạy: “Sách Mặc Môn cho thấy những kẻ thù của Đấng Ky Tô. … Thượng Đế, với sự biết trước vô hạn của Ngài, đã tạo ra Sách Mặc Môn để chúng ta có thể thấy được lỗi lầm và biết cách chống lại các khái niệm giáo dục, chính trị, tôn giáo, và triết lý sai lạc của thời kỳ chúng ta.”2

Ngày nay chúng ta đang có chiến tranh với Sa Tan. Giống như bất cứ quân đội nào, chúng ta cũng cần phải biết kẻ thù sẽ hoạch định làm gì. Chẳng hạn, việc biết được khi nào và nơi nào kẻ thù sẽ tấn công thì có thể là thông tin vô giá. Đó là lý do tại sao từ ngữ về việc thu thập thông tin như vậy được gọi là “thu thập tình báo.” Việc biết được kẻ thù của chúng ta là trở nên thông minh hơn kẻ thù của chúng ta. Sách Mặc Môn có thể giúp chúng ta “thu thập tình báo” về các phương pháp giả mạo của Sa Tan.

Lời Lẽ Tâng Bốc Là Giả Vờ

Hơn một nửa số những kẻ giả mạo trong Sách Mặc Môn sử dụng lời lẽ tâng bốc và một cá tính hấp dẫn để đạt được mục tiêu của họ. Ví dụ, Sê Rem “có một sự hiểu biết tường tận về ngôn ngữ của dân chúng; vậy nên hắn đã đem tài ăn nói của mình ra nịnh hót dựa theo quyền năng của quỷ dữ” (Gia Cốp 7:4). Các thầy tư tế tà ác của Vua Nô Ê đã nói “những lời phù phiếm và tâng bốc” (Mô Si A 11:7), nên khiến cho những người tham gia vào việc thờ thần tượng và những điều tà ác khác. Cô Ri Ho đạt được kết quả tương tự trong thời kỳ của hắn bằng cách “dẫn dắt trái tim của nhiều người đi lạc hướng” (An Ma 30:18). A Ma Lịch Gia lẫn Ga Đi An Tôn đều sử dụng khả năng nịnh hót của mình để thu hút những đạo quân tín đồ tà ác (xin xem An Ma 46:10Hê La Man 2:4).

Đây không phải là điều ngẫu nhiên. Lời tâng bốc là nông cạn, không thành thật, rỗng tuếch, và phóng đại. Nê Phi cảnh cáo những người nào “dạy người ta những điều như vậy, những giáo lý sai lạc, vô ích và điên rồ. Họ tràn đầy kiêu ngạo trong lòng, và cố tìm cách che giấu thâm ý của mình khỏi Chúa; và những việc làm của họ đều ở trong bóng tối” (2 Nê Phi 28:9).

Lời tâng bốc thường được sử dụng để lừa gạt; và thường có một động cơ kín đáo hoặc kế hoạch giấu giếm. Lời tâng bốc liên quan tới cách nói đến một điều nào đó nhiều hơn là thực chất của điều đó, và nó có ảnh hưởng rất lớn đến tính kiêu căng và lòng tự phụ của con người thiên nhiên. Tuy nhiên, các vị tiên tri của Chúa cho chúng ta biết về các lẽ thật giản dị nhưng quan trọng mà chúng ta cần phải nghe.

Lời tâng bốc là lời lẽ của Sa Tan. Chủ Tịch James E. Faust (1920–2007) Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn giải thích: “Tiếng nói [của Sa Tan] thường nghe rất hợp lý và thông điệp của nó rất dễ để chứng minh là đúng. Đó là một tiếng nói hấp dẫn, có sức lôi cuốn với giọng dịu dàng. Tiếng nói đó không chói tai hoặc khó chịu. Không một người nào muốn lắng nghe tiếng nói của Sa Tan nếu tiếng nói đó nghe chói tai hay đáng ghét.”3

Khi thế gian đưa ra cho chúng ta một ý kiến, triết lý, hoặc quan điểm mà dường như chỉ để gia tăng tính kiêu ngạo hay lòng tự phụ của chúng ta hoặc chỉ là quá hay đến nỗi không thể tin là có thật, thì điều đó cần phải là một lời cảnh báo cho chúng ta ngay lập tức. Hãy xem những ý kiến đó là giả mạo. Hãy so sánh chúng với các lẽ thật đã được các vị tiên tri của Chúa giảng dạy. Hãy tìm kiếm những điểm khác biệt, chứ không phải những điểm tương đồng, và những ý kiến giả mạo sẽ trở nên rõ ràng.

Nê Hô—một Kẻ Gian Dối Nổi Tiếng

Nê Hô sử dụng rộng rãi phương pháp tâng bốc của Sa Tan. Hãy xem xét hắn trong một cuộc nghiên cứu trường hợp của một kẻ giả mạo về phần thuộc linh. Nê Hô, với giáo lý của hắn dường như chấp nhận khái niệm về một Đấng cứu chuộc, là một người thuyết giảng nổi tiếng và có sức lôi cuốn trong số dân Nê Phi. Nê Hô thu hút nhiều người đi theo hắn bằng cách dạy rằng “tất cả nhân loại sẽ được cứu vào ngày sau cùng” và “có được cuộc sống vĩnh cửu” (An Ma 1:4).

Chúng ta có thể thấy tại sao thông điệp của Nê Hô lại hấp dẫn như vậy? Hắn đang giảng dạy về một Thượng Đế dễ dãi và không bận tâm—một Thượng Đế sẽ cứu hết mọi người vì Ngài yêu thương tất cả mọi người cho dù thế nào đi nữa. Vậy nên hãy cứ tự nhiên làm điều mình muốn vì mọi điều đều tốt cả. Đó là một triết lý hấp dẫn mà đã được nhiều người chấp nhận trong thời kỳ của Nê Hô (xin xem An Ma 1:5) cũng như trong thời nay. Hiển nhiên người ta đều muốn vào thiên thượng cho dù đã chọn và làm bất cứ điều gì.

Vậy thì thông điệp của Nê Hô có vấn đề gì? Chúng ta hãy xem xét những điểm chính của lập luận của hắn một lần nữa:

  • Thượng Đế tạo ra tất cả mọi người—điều đó đúng như vậy.
  • Thượng Đế yêu thương tất cả mọi người—đúng thế.
  • Chúng ta không nên sợ hãi Thượng Đế—đúng thế.
  • Chúng ta nên hân hoan với khái niệm về sự cứu rỗi—đúng thế.

Cho đến đây thì có rất nhiều điểm tương đồng giữa những gì Nê Hô giảng dạy và các lẽ thật phúc âm. Nhưng hãy nhớ—cũng giống như tiền giả, chúng ta cần phải tìm kiếm những điểm khác biệt chứ không phải những điểm tương đồng. Vậy thì chúng ta hãy nhìn vào quan điểm cuối cùng của Nê Hô:

  • Thượng Đế sẽ ban cho mọi người cuộc sống vĩnh cửu—sai!

Bây giờ đây là sự khác biệt quan trọng mà cho chúng ta biết rằng Nê Hô là một kẻ giả mạo về phần thuộc linh. Sự cứu rỗi khỏi cái chết thể xác được bảo đảm cho tất cả mọi người, nhưng sự cứu rỗi từ cái chết thuộc linh là có điều kiện về sự sẵn lòng hối cải của chúng ta. Nếu hối cải thì chúng ta có thể nhận được cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Gia Cốp 6:11). Nhưng cuộc sống vĩnh cửu không phải được ban cho không.

Ghê Đê Ôn và An Ma Nhận ra Kẻ Giả Mạo

Sự tà ác của Nê Hô đã bị vạch trần vào cái ngày hắn gặp Ghê Đê Ôn, một thầy giảng ngay chính trong Giáo Hội của Thượng Đế. Ghê Đê Ôn đã mạnh dạn đứng lên chống trả Vua Nô Ê nhiều năm trước đó và do đó đã có kinh nghiệm với những kẻ giả mạo thuộc linh (xin xem Mô Si A 19:4–8). Nê Hô “bắt đầu tranh luận gay gắt với vị này để hắn có thể dẫn dắt giáo dân đi lạc lối; nhưng [Ghê Đê Ôn] đã dùng những lời của Thượng Đế chống lại hắn và khiển trách hắn” (An Ma 1:7). Ghê Đê Ôn nhận ra Nê Hô là một kẻ giả mạo. Một khi đã bị lột mặt nạ, Nê Hô phải dùng đến một phương pháp khác của Sa Tan—giết người. Nhưng cái chết của Ghê Đê Ôn không phải là điều vô ích. Dân chúng áp giải Nê Hô kẻ giả mạo ra trước An Ma để xét xử.

An Ma nhận ra rằng không những Nê Hô phạm tội về mưu chước tăng tế và giết người mà còn dùng mưu chước tăng tế ở giữa dân chúng, mà nếu không ngăn chặn, thì “sẽ đưa lại sự hủy diệt cho họ” (An Ma 1:12). Vậy nên Nê Hô đã bị kết án tử hình, và phải chịu “cái chết ô nhục” (An Ma 1:15).

Ghê Đê Ôn và An Ma là các tấm gương cho chúng ta. Khi chúng ta có Thánh Linh ở với mình, chúng ta sẽ nghe và thấy “những điều đúng với sự thật hiện hữu” (Gia Cốp 4:13). Chúng ta sẽ nhận ra những kế hoạch và âm mưu giả mạo của Sa Tan để “có thể hiểu được một cách rõ ràng, chẳng khác chi ánh sáng ban ngày đối với bóng tối ban đêm vậy” (Mô Rô Ni 7:15).

Kẻ thù “giả mạo” của chúng ta thông minh, nhưng cũng giống như Ghê Đê Ôn và An Ma, chúng ta có thể thông minh hơn nó. Cũng như tôi đã bắt đầu dần dần nhận ra những điểm khác biệt giữa hai tờ đô la, chúng ta dần dần rèn luyện sự chú ý cũng như tâm trí và tinh thần của mình để nhận ra sự khác biệt giữa sự thật và điều dối trá. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ nhận ra những kẻ giả mạo và chống lại những lời dối trá của họ.