Podcast số 6 – Liahona tháng 4, 2019 – Tin Cậy Nơi Sự Giải Thoát của Đấng Cứu Rỗi – Henry B. Eyring

Bài của Chủ Tịch Henry B. Eyring

Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Trích từ bài nói chuyện tại một buổi họp đặc biệt devotional, “Quyền Năng Giải Thoát,” được đưa ra tại trường Brigham Young University vào ngày 15 Tháng Một năm 2008.

Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi cho Ngài quyền năng để củng cố chúng ta trong những thử thách của chúng ta hoặc giải thoát chúng ta khỏi những thử thách đó.

Đối với những người trong chúng ta đã mất những người thân yêu thì con đường phía trước có thể là buồn bã và cô đơn—thậm chí còn nhiều hơn nữa cho những người không có sự hiểu biết và chứng ngôn về Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô. Anh chị em còn nhớ hai môn đồ lòng đầy ngờ vực của Ngài trên đường đi đến Em Ma Út. Chúa phục sinh đã đến gần họ và hỏi tại sao họ buồn. Lu Ca cho chúng ta câu trả lời:

“Họ trả lời rằng: Ấy là việc đã xảy ra cho Giê Su Na Xa Rét, một đấng tiên tri, có quyền phép trong việc làm và trong lời nói, trước mặt Đức Chúa Trời và cả chúng dân:

“Làm sao mà các thầy tế lễ cả cùng các quan đề hình ta đã nộp Ngài để xử tử, và đã đóng đinh trên cây thập tự.

“Chúng tôi trông mong Ngài sẽ cứu lấy dân Y Sơ Ra Ên” (Lu Ca 24:19–21).

Chúng ta nhận được sự an ủi từ sự hiểu biết và chứng ngôn của mình rằng chính Ngài  Đấng đã cứu chuộc Y Sơ Ra Ên. Chính Ngài  Đấng “[đã cắt đứt] những dây trói buộc của sự chết” (Mô Si A 15:23). Chính Ngài  Đấng trở thành “trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (1 Cô Rinh Tô 15:20). Chính Ngài  Đấng đã làm cho các giao ước đền thờ có thể ràng buộc chúng ta vĩnh viễn với những người mà chúng ta “đã yêu thương từ lâu lắm và đã mất đi một thời gian rồi!”1

Vào mùa lễ Phục Sinh này, tôi muốn chia sẻ một phần sứ điệp devotional mà tôi đã đưa ra cách đây một vài năm về quyền năng giải thoát của Đấng Cứu Rỗi. Sứ điệp này củng cố tôi khi tôi chuẩn bị đưa ra. Tôi cầu nguyện rằng nó sẽ củng cố anh chị em khi anh chị em đọc nó.

Cuộc sống kết thúc sớm đối với một số người và cuối cùng cho tất cả chúng ta. Mỗi người chúng ta sẽ được thử thách bằng cách trực diện với cái chết của một người mà chúng ta yêu thương.

Một ngày nọ, tôi gặp một người đàn ông mà tôi chưa gặp lại kể từ khi vợ người ấy qua đời. Đó là một cơ hội gặp gỡ trong một khung cảnh tiệc tùng lễ lạc thú vị. Anh ấy mỉm cười với tôi khi đến gần tôi. Vì nhớ lại cái chết của vợ anh ấy nên tôi đã rất cẩn thận đưa ra lời chào hỏi thông thường: “Anh khỏe không?”

Nụ cười biến mất, mắt ngấn lệ và anh nói nhỏ, với vẻ rất nghiêm nghị: “Tôi khỏe. Nhưng rất khó.”

Thật  rất khó, như hầu hết các anh chị em đã biết và một lúc nào đó, tất cả chúng ta đều sẽ biết. Phần khó nhất của thử thách đó là biết phải làm gì với nỗi buồn, nỗi cô đơn và sự mất mát mà chúng ta có thể cảm thấy như thể là một phần của chúng ta đã mất đi. Nỗi đau buồn có thể dai dẳng như một cơn đau da diết. Và đối với một số người, có thể có cảm giác tức giận hoặc bất công.

Đấng Cứu Rỗi Biết Nỗi Buồn Của Chúng Ta

Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi cho Ngài quyền năng để giải thoát chúng ta trong một thử thách như vậy. Qua kinh nghiệm của Ngài, Ngài đã tiến đến việc biết được tất cả những nỗi đau buồn của chúng ta. Ngài có lẽ đã biết được những nỗi đau buồn đó nhờ sự soi dẫn của Thánh Linh, nhưng thay vì thế, Ngài đã chọn để biết bằng cách tự Ngài trải qua những nỗi đau buồn đó. Đây là lời tường thuật:

“Và này, Ngài sẽ do Ma Ri sinh ra tại Giê Ru Sa Lem, là xứ của tổ tiên chúng ta, người là một nữ đồng trinh, và là một bình chứa quý giá được chọn; người sẽ được che phủ và thụ thai bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, và sinh ra một người con trai, phải, đó là Vị Nam Tử của Thượng Đế.

“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.

“Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:10–12).

Những người tốt xung quanh anh chị em sẽ cố gắng hiểu nỗi đau buồn của anh chị em khi mất một người thân yêu. Bản thân họ cũng có thể cảm thấy đau buồn. Đấng Cứu Rỗi không những hiểu và cảm thấy đau buồn mà còn cảm thấy nỗi đau buồn riêng của anh chị em mà chỉ có anh chị em mới cảm thấy được thôi. Và Ngài hoàn toàn biết anh chị em. Ngài biết tấm lòng của anh chị em.

Mời Đức Thánh Linh Đến

Đấng Cứu Rỗi có thể biết điều gì trong số nhiều điều mà anh chị em có thể làm một cách hữu hiệu nhất cho mình khi anh chị em mời Đức Thánh Linh đến an ủi và ban phước cho anh chị em. Ngài sẽ biết nơi nào là tốt nhất để anh chị em bắt đầu. Đôi khi đó sẽ là cầu nguyện. Đôi khi đó sẽ là đi an ủi một người khác. Tôi biết một góa phụ với một căn bệnh suy nhược đã được soi dẫn để đi thăm một góa phụ khác. Tôi không có mặt ở đó nhưng tôi biết chắc rằng Chúa đã soi dẫn cho một môn đồ trung tín để tìm đến một môn đồ khác và do đó đã có thể giúp đỡ cả hai môn đồ đó.

Có nhiều cách mà Đấng Cứu Rỗi có thể giúp đỡ những người đau buồn, cụ thể theo nhu cầu riêng của họ. Nhưng anh chị em có thể chắc chắn rằng Ngài có thể và sẽ làm điều đó theo cách tốt nhất cho những người đang đau buồn và cho những người xung quanh họ. Một điều bất biến khi Thượng Đế giải thoát con người khỏi nỗi đau buồn là họ cảm thấy sự khiêm nhường như trẻ nhỏ trước mặt Ngài. Một ví dụ tuyệt vời về sức mạnh của sự khiêm nhường và trung tín đến từ cuộc đời của Gióp (xin xem Gióp 1:20–22). Một điều bất biến khác mà Gióp cũng đã có là đức tin bền bỉ nơi quyền năng của Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi (xin xem Gióp 19:26).

Chúng ta đều sẽ được phục sinh, kể cả những người thân yêu đã qua đời của anh chị em. Cuộc đoàn tụ chúng ta sẽ có với họ sẽ không siêu trần mà với thể xác sẽ không bao giờ chết cũng như bị lão hóa hoặc trở nên yếu đuối.

Khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng Các Sứ Đồ của Ngài sau khi phục sinh, Ngài không những trấn an họ trong nỗi đau buồn của họ mà còn trấn an tất cả chúng ta là những người có thể đau buồn. Ngài đã trấn an họ và chúng ta theo cách này:

“Bình an cho các ngươi. …

“Hãy xem tay chân ta: thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem; thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có” (Lu Ca 24:36, 39).

Chúa có thể soi dẫn chúng ta để tiếp cận với quyền năng giải thoát khỏi nỗi đau buồn của chúng ta theo cách thức phù hợp nhất đối với chúng ta. Chúng ta có thể chọn để phục vụ người khác thay cho Chúa. Chúng ta có thể làm chứng về Đấng Cứu Rỗi, về phúc âm của Ngài, về sự phục hồi của Giáo Hội Ngài, và về Sự Phục Sinh của Ngài. Chúng ta có thể tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

Tất cả những sự lựa chọn đó đều mời Đức Thánh Linh đến. Chính Đức Thánh Linh là Đấng có thể an ủi chúng ta theo cách phù hợp với nhu cầu của chúng ta. Và bởi nguồn soi dẫn của Thánh Linh nên chúng ta có thể có một chứng ngôn về Sự Phục Sinh và một tầm nhìn rõ ràng về cuộc đoàn tụ vinh quang ở phía trước. Tôi cảm nhận được sự an ủi đó khi nhìn xuống bia mộ của một người mà tôi biết—một người mà tôi biết rằng tôi có thể ôm trong vòng tay mình vào một thời gian nào đó trong tương lai. Khi biết được điều đó, tôi không những được giải thoát khỏi nỗi đau buồn mà lòng còn chan hòa sự mong đợi đầy vui mừng.

Nếu đứa bé đó sống đến khi trưởng thành, thì nó sẽ cần sự giải thoát khỏi một các thử thách khác. Nó sẽ được thử thách để luôn trung thành với Thượng Đế qua những thử thách về thể xác và phần thuộc linh mà đều đến với mọi người. Mặc dù thể xác là một sáng tạo tuyệt vời, nhưng việc giữ cho nó hoạt động là một điều khó khăn mà thử thách tất cả chúng ta. Mọi người đều phải vật lộn với bệnh tật và ảnh hưởng của tuổi tác.

“Ngươi Hãy Khiêm Nhường”

Đã có sẵn quyền năng giải thoát khỏi những thử thách của chúng ta rồi. Quyền năng này hoạt động theo cách tương tự như sự giải thoát khỏi thử thách khi trực diện với cái chết của một người thân. Cũng giống như sự giải thoát đó không phải lúc nào cũng có thể cứu mạng sống của một người thân, sự giải thoát khỏi những thử thách khác có thể không phải là loại bỏ chúng. Chúa có thể không ban cho sự trợ giúp cho đến khi chúng ta phát triển đức tin để lựa chọn điều sẽ mang đến quyền năng của Sự Chuộc Tội để tác động trong cuộc sống của chúng ta. Ngài không đòi hỏi điều đó không phải là vì Ngài không quan tâm đến chúng ta mà vì Ngài yêu thương chúng ta.

Một lời hướng dẫn để tiếp nhận quyền năng giải thoát của Chúa khỏi sự tương phản trong cuộc sống đã được Thomas B. Marsh, là Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ lúc bấy giờ, đưa ra. Ông đang gặp những thử thách khó khăn và Chúa biết ông còn sẽ phải trải qua thêm nữa. Đây là lời khuyên dạy cho ông mà tôi nhận lấy cho mình và đưa ra cho anh chị em: “Ngươi hãy khiêm nhường; rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi, và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 112:10).

Chúa luôn luôn muốn dẫn dắt chúng ta đến sự giải thoát qua việc chúng ta trở nên ngay chính hơn. Điều đó đòi hỏi sự hối cải. Và điều đó cần có sự khiêm nhường. Vậy, cách để giải thoát luôn luôn đòi hỏi sự khiêm nhường để Chúa có thể dắt tay chúng ta đến nơi Ngài muốn mang chúng ta tới qua những khó khăn của chúng ta và tiến tới sự thánh hóa.

Những thử thách có thể gây ra oán giận hoặc nản lòng. Sự khiêm nhường mà anh chị em và tôi cần có để cho Chúa dắt tay xuất phát từ đức tin. Nó xuất phát từ đức tin rằng Thượng Đế thực sự hằng sống, rằng Ngài yêu thương chúng ta, và rằng điều Ngài muốn—là điều có thể khó làm—sẽ luôn luôn tốt nhất cho chúng ta.

Đấng Cứu Rỗi đã chỉ cho chúng ta thấy sự khiêm nhường đó. Anh chị em đã đọc về cách Ngài cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê trong khi Ngài đang chịu đựng thử thách thay cho chúng ta vượt quá khả năng của chúng ta để thấu hiểu hay chịu đựng, hoặc thậm chí cho tôi để diễn tả. Các anh chị em còn nhớ lời cầu nguyện của Ngài: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu Ca 22:42).

Ngài biết và tin cậy Cha Thiên Thượng của Ngài, Đức Ê Lô Him vĩ đại. Ngài biết rằng Cha Ngài là một Đấng toàn năng và vô cùng nhân từ. Vị Nam Tử Yêu Dấu đã cầu xin bằng những lời khiêm nhường—giống như những lời của một trẻ nhỏ—quyền năng giải thoát để giúp đỡ Ngài.

Có Can Đảm và Sự An Ủi

Đức Chúa Cha đã không giải thoát cho Vị Nam Tử bằng cách loại bỏ thử thách. Vì chúng ta, Đức Chúa Cha đã không làm điều đó, nhưng đã cho phép Đấng Cứu Rỗi hoàn thành sứ mệnh mà Ngài đã đến để thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta có thể vĩnh viễn có can đảm và sự an ủi từ việc biết về sự giúp đỡ mà Đức Chúa Cha đã mang đến:

“Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài.

“Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.

“Cầu nguyện xong, Ngài đứng dậy trở lại cùng các môn đồ, thấy đương ngủ mê vì buồn rầu,

“Ngài phán rằng: Sao các ngươi ngủ? Hãy đứng dậy cầu nguyện, để cho khỏi sa vào sự cám dỗ” (Lu Ca 22:43–46).

Đấng Cứu Rỗi cầu nguyện để có sự giải thoát. Điều Ngài được ban cho không phải là một sự thoát khỏi thử thách mà là sự an ủi đủ để vượt qua thử thách một cách vinh quang.

Lệnh truyền của Ngài cho các môn đồ của Ngài cũng chính là những người đã bị thử thách, là một lời hướng dẫn cho chúng ta. Chúng ta có thể quyết tâm tuân theo lời hướng dẫn đó. Chúng ta có thể quyết tâm đứng lên và cầu nguyện với đức tin lớn lao và sự khiêm nhường. Và chúng ta có thể làm theo lệnh truyền đã được thêm vào trong sách Mác: “Hãy chờ dậy, đi hè” (Mác 14:42).

Từ lệnh truyền này, anh chị em có được lời khuyên để vượt qua những thử thách về thể xác và thuộc linh của cuộc sống. Anh chị em sẽ cần sự giúp đỡ của Thượng Đế sau khi anh chị em đã làm hết sức mình. Vậy, hãy đứng lên và đi, nhưng nhận được sự giúp đỡ của Ngài càng sớm càng tốt, chứ không phải chờ đợi đến khi gặp khủng hoảng rồi mới cầu xin sự giải thoát.

Tôi long trọng làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống và yêu thương chúng ta. Tôi biết điều đó. Kế hoạch hạnh phúc của Ngài là hoàn hảo, và đó  một kế hoạch hạnh phúc. Chúa Giê Su Ky Tô đã phục sinh và chúng ta cũng sẽ được như vậy. Ngài chịu thống khổ để Ngài có thể giúp đỡ chúng ta trong mọi thử thách của chúng ta. Ngài đã trả giá cứu chuộc cho tất cả mọi tội lỗi của chúng ta và cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng để chúng ta có thể được giải thoát khỏi cái chết và tội lỗi.

Tôi biết rằng trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, Đức Thánh Linh có thể đến để an ủi và thanh tẩy chúng ta khi chúng ta noi theo Đức Thầy. Cầu xin cho anh chị em nhận được sự an ủi và giúp đỡ của Ngài trong những lúc hoạn nạn của anh chị em qua tất cả những thử thách và gian nan trong cuộc sống của anh chị em.